Cẩm nang hướng dẫn trang trí nhà đẹp - Phần 5. Phong cách công nghiệp

( 07-09-2022 - 10:58 AM ) - Lượt xem: 2225 - Bình luận: 4

    Trang trí văn phòng làm việc, tiệm tóc, quán trà sữa, quán Cafe, cửa hàng thời trang, nhà hàng thức ăn nhanh, căn hộ Studio ... theo phong cách công nghiệp đang là trào lưu được nhiều người lựa chọn. Vì bên cạnh vẻ đẹp mạnh mẽ, không gian cá tính, giàu tính sáng tạo, điều đặc biệt là chi phí đầu tư rất khiêm tốn nhưng mang lại hiệu quả sử dụng bền bỉ, ít hư hao, tiết kiệm chi phí sửa chữa, bảo trì.

    Vậy trang trí theo phong cách công nghiệp là gì, có dễ áp dụng hay không, hãy cùng Trangtrinoithatxinh.vn tìm hiểu trong Phần 5 của Cẩm nang hướng dẫn trang trí nhà đẹp, ấn phẩm do chúng tôi sở hữu độc quyền về nội dung trên website này.

    1. Khái niệm trang trí phong cách công nghiệp

    Phong cách Công nghiệp (Industrial Style) xuất hiện sau thời kỳ đại suy thoái, từ ý tưởng tận dụng nhà kho, công xưởng bỏ không, vật dụng cũ trong nền sản xuất công nghiệp phát triển mạnh mẽ trước đó, biến đổi thành chỗ ở hữu dụng cho con người. 

    Thiết kế nội thất theo phong cách công nghiệp mang hơi thở của không gian sản xuất, chú trọng tính đơn giản, an toàn và hiệu quả. Với ý nghĩa tiết kiệm nguồn lực, tái sử dụng tài nguyên, trang trí nhà cửa theo phong cách công nghiệp dần đi vào cuộc sống, rất được thế hệ trẻ yêu thích hiện nay.

    Mặc dù cũng sử dụng đồ cũ, nhưng phong cách công nghiệp không phải là phong cách hoài cổ (Retro Style), mang ý nghĩa sưu tập, bảo tồn nhiều hơn.

     

    xay nha gia re

     

    Hình 1. Phong cách Công nghiệp có vẻ đẹp mạnh mẽ, sử dụng bền bỉ

     

    2. Lịch sử phát triển phong cách công nghiệp

    2.1. Giai đoạn cách mạng công nghiệp lần thứ nhất

    Sau giai đoạn phát triển thịnh hành của lối kiến trúc nhà cửa theo phong cách cổ điển, tòa nhà xây dựng theo phong cách công nghiệp xuất hiện lần đầu tiên tại nước Anh vào khoảng cuối những năm 1760s, bắt đầu thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ nhất.

    Do thời điểm này chưa xuất hiện nguồn điện, nên tòa nhà có cấu trúc hẹp với nhiều cửa sổ lớn, nhằm tăng cường nguồn ánh sáng tự nhiên chiếu vào khu vực làm việc bên trong. Vật liệu sử dụng là hồ vữa và gỗ, tường trơn phẳng, tiết giảm kiểu chỉ viền phức tạp của phong cách Cổ điển trước đó.

    Với mục tiêu phục vụ sản xuất, kết cấu tòa nhà cực kỳ đơn giản. Cửa chỉ mở về một phía để dòng nguyên liệu và sản phẩm đi theo một chiều vào ra.

    Sang những năm 1800s, từ yêu cầu luật định về vấn đề an toàn cháy nổ, đòi hỏi thiết kế phải hạn chế tối đa khả năng bắt lửa và xử lý cháy nổ kịp thời. Các vật liệu dễ cháy như gỗ, vải bị loại bỏ hoàn toàn, vật liệu chống cháy được đưa vào sử dụng như sàn, trần bê tông, tường gạch nung, vật dụng tủ, kệ, bàn ghế đều bằng sắt.

    Thiết kế tòa nhà dễ thoát hiểm bằng cách rất thoáng mở, cửa ra vào khổ lớn, sàn phẳng hoàn toàn, hạn chế vách ngăn, cầu thang sắt rời với bề ngang rộng, hệ thống ống nước dập lửa kéo nổi lên trần ...

    2.2. Giai đoạn cách mạng công nghiệp lần thứ hai

    Vào cuối cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai, việc hàng loạt nhà máy ở Châu Âu đóng cửa do chuyển dịch sản xuất sang các khu vực nhân công rẻ hơn, đã để lại rất nhiều nhà xưởng và vật dụng cũ.

    Cùng với sự gia tăng dân số, mở rộng khu vực đô thị, các nhà xưởng, kho bãi cũ trở thành chỗ ở của rất nhiều người. Họ cải tạo, tận dụng vật dụng cũ như thùng phuy, hòm sắt, balet ... phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. 

    2.3. Giai đoạn hiện tại

    Bước sang thế kỷ 20, phong cách công nghiệp lần đầu tiên được các nghệ sĩ đưa vào trang trí Studio.

    Vẻ sơ sài, khung cảnh thiếu ánh sáng, kiểu sàn rộng mênh mông không vách ngăn ... được cho là yếu tố khơi gợi tiềm năng sáng tạo của người nghệ sĩ.

    Với một loạt cải biến, cách tân sau đó, phong cách công nghiệp ngày nay đã trở nên phổ biến hơn. Các chi tiết mang tính biểu tượng được giữ lại, phối hợp với các phong cách trang trí khác để tạo nên nét đẹp độc đáo cho căn nhà.

     

    trang trí studio

     

    Hình 2. Phong cách Công nghiệp phù hợp với không gian sáng tác

     

    3. Đặc trưng của căn nhà theo phong cách công nghiệp

    Do lịch sử phát triển đặc biệt như trên, nên phong cách công nghiệp có những điểm hoàn toàn khác biệt so với các phong cách trang trí khác. Căn nhà trang trí theo phong cách công nghiệp có các điểm đặc trưng như sau:

    3.1. Lắp ghép, tạm bợ

    Trong khi các phong cách nhà cửa khác luôn chỉn chu, hoàn hảo đến từng chi tiết thì phong cách công nghiệp ở phía ngược lại, đầy vẻ thô sơ, tạm bợ của 1 căn nhà chưa hoàn thiện, lắp ráp từ nhiều kết cấu khác nhau.

     

    ve dep can nha chua hoan thien

     

    Hình 3. Căn nhà theo phong cách Công nghiệp trông có vẻ tạm bợ

     

    Vẻ đẹp chưa hoàn thiện thể hiện qua bờ tường gạch xây không tô, trần thô không đóng la phông, phô diễn hết xà nhà, đường dây điện, ống nước ngoằn nghèo. Các bức tường sơn dở nham nhở, cột bê tông nguyên khối kéo thẳng lên trần nhà, sàn gỗ chưa đánh bóng hoặc sàn nhà bê tông không lót gạch men.

     

     

    Hình 4. Mang tính chất của căn nhà chưa hoàn thiện xong

     

    3.2. Bụi bặm, cũ kỹ

    Nhiều người sẽ bối rối khi nhìn vào căn nhà trang trí theo phong cách công nghiệp, vì trông có vẻ lộn xộn, cũ kỹ giống 1 cái kho hơn là nhà ở. 

    Mang tính chất tận dụng đồ vật cũ của các nhà xưởng, nên các loại thùng phuy, hòm sắt, kệ treo, dây cáp, ván sàn, khung cửa, dây xích ... đều có thể trở thành vật trang trí cho phong cách này.

     

     

    Hình 5. Giống không gian của một nhà kho

     

    Khi sắp xếp cạnh nhau và chuyển về cùng 1 tông màu, ví dụ hệ màu trắng - xám - đen, các đồ vật này lại tạo ra vẻ đẹp bất ngờ do tính đồng bộ và bề ngoài bụi bặm giống nhau. Cộng với kết cấu sàn nhà rộng rãi, trần nhà cao, vòm cửa lớn của kiểu nhà kho đã góp phần tăng thêm vẻ đẹp phóng khoáng của phong cách công nghiệp.

    3.3. Mạnh mẽ, thô mộc

    Theo lối trang trí truyền thống, gỗ và sắt ít được phối hợp trên cùng 1 phân khu vì tính chất quá khác biệt so với nhau. Trong khi gỗ thuộc hàng mộc, mang lại cảm giác ấm áp, tự nhiên thì sắt ngược lại thuộc hàng kim, mang lại cảm giác lạnh lẽo, nhân tạo.

    Trong phong cách công nghiệp, gỗ với sắt được phối hợp với nhau vừa mang lại vẻ đẹp mới mẻ, lại có ý nghĩa tương tác, bổ sung cho nhau. 

     

     

    ket hop giua go va sat

     

    Hình 6. Vẻ đẹp mạnh mẽ phối hợp từ gỗ và sắt 

     

    Sắt bảo vệ gỗ, cho gỗ sự mạnh mẽ cứng cáp, sức bền cần thiết để gia tăng tuổi thọ sản phẩm. Ở phía ngược lại, gỗ mang cho sắt sự thân thiện, gần gũi và vẻ đẹp thô mộc rất tự nhiên.

    4. Các không gian phù hợp với phong cách công nghiệp

    Được cho là mang trong mình năng lượng tích cực của 1 người đàn ông trưởng thành, với cách chia không gian lớn, sắc màu bê tông, gạch thô, và vật liệu thép, phong cách công nghiệp phù hợp với sử dụng trong các trường hợp sau:

    4.1. Sảnh lớn, không gian sự kiện

    Phong cách công nghiệp phù hợp với các sảnh lớn tổ chức sự kiện, đám cưới, tiệc tùng.

    Với đặc điểm cửa sổ lớn cung cấp nhiều ánh sáng, sàn rộng không vách ngăn tạo sức chứa lớn, trần cao, không gian nội thất sẽ rất dễ bố trí vật dụng, trang trí tùy chỉnh theo chủ đề sự kiện.

     

    trang trí sảnh tiệc cưới

     

    Hình 7. Phù hợp với sảnh lớn, không gian tổ chức sự kiện

     

    4.2. Căn hộ, nhà phố, không gian hạn chế

    Phong cách công nghiệp phù hợp với trang trí căn hộ, nhà phố có bề ngang hẹp, không gian hạn chế.

    Vì phong cách này hạn chế sử dụng vách ngăn, có thể sử dụng gác lửng và cầu thang sắt để tiết kiệm không gian, nâng cao trần tạo độ thông thoáng.

     

    trang tri nha pho

     

    Hình 8. Phù hợp với căn hộ, nhà phố không gian nhỏ

     

    4.3. Biệt thự, không gian rộng lớn

    Phong cách công nghiệp có thể ứng dụng trong thiết kế biệt thự với vẻ đẹp hiện đại, mạnh mẽ và đầy cá tính. Các cửa sổ rộng mở cung cấp nguồn ánh sáng tự nhiên, cân bằng năng lượng cho căn nhà.

     

    Biệt thự hiện đại

     

    Hình 9. Phù hợp với biệt thự hiện đại

     

    4.4. Văn phòng, không gian sáng tạo

    Phong cách công nghiệp phù hợp với thiết kế văn phòng làm việc, Studio sáng tạo nghệ thuật. Đặc biệt là kiểu văn phòng cho các Star-up vì tính không phân cách không gian, dễ làm việc nhóm, trao đổi ý tưởng công việc, thúc đẩy khả năng sáng tạo cá nhân.

     

    văn phòng khởi nghiệp

     

    Hình 10. Phù hợp với không gian khởi nghiệp sáng tạo

     

    4.5. Hàng quán, không giải giải trí

    Có thể áp dụng trong trang trí các khu vực công cộng nhiều người sử dụng như rạp chiếu phim, quầy thức ăn nhanh, nhà hàng, quán nhậu, quán cà phê rang xay, quán cơm văn phòng.  

     

     

    Hình 11. Phù hợp với nhà hàng

     

    trang trí quán ăn

     

    Hình 12. Phù hợp với quán ăn

     

    cà phê vỉa hè

     

    Hình 13. Phù hợp với Bar, cà phê đường phố

     

    4.6. Nhà nghỉ, không gian tập thể

    Do tính bền bỉ trong sử dụng, bản thân vẻ đẹp đã chứa đựng yếu tố cũ kỹ, hư hoại, nên phong cách công nghiệp rất phù hợp trong trang trí nhà nghỉ tập thể, nhà trọ, căn hộ cho thuê, Homestay ... Vừa tạo vẻ đẹp rất hợp thời, bắt mắt với chi phí đầu tư không quá cao, lại vừa yên tâm về độ bền, hoạt động tu sửa nếu phát sinh cũng không quá tốn kém như các kiểu nhà khác.

     

    trang trí căn hộ cho thuê

     

    can ho cho thue

     

    Hình 14. Phù hợp với căn hộ, nhà cho thuê

     

    5. Nguyên tắc trang trí theo phong cách công nghiệp

    Mặc dù có tính chất cũ kỹ, sơ sài nhưng thực tế, để tạo được căn nhà toát lên vẻ đẹp của phong cách công nghiệp lại là điều không hoàn toàn đễ, đòi hỏi bạn phải có sự đầu tư nhất định, thậm chí phải linh hoạt, phối hợp với các phong cách khác để căn nhà trông có vẻ chưa hoàn thiện, nhưng thực tế lại phải có tính hữu dụng cao.

     

     

    Hình 15. Phối hợp với phong cách Hiện đại

     

     

    Hình 16. Phối hợp với phong cách Trung hòa

     

     

    Hình 17. Phối hợp với phong cách Đương đại

     

    Một số nguyên tắc cần lưu ý khi thiết kế và trang trí theo phong cách Công nghiệp để có không gian đẹp bao gồm:

    5.1. Loại bỏ vách ngăn 

    Không phụ thuộc diện tích có sẵn lớn hay nhỏ, nhưng để căn nhà có cảm giác trống rỗng của 1 nhà kho hay xưởng sản xuất, thì nguyên tắc cần tuân thủ là không chia nhỏ không gian bằng tường ngăn.

    Sự thông suốt giữa các khu vực chức năng có thể tạo ra cảm giác lộn xộn nhất định, vì vậy nên sắp xếp nội thất theo cụm hoặc quy về cùng mặt phẳng như ở phong cách hiện đại.

     

     

    Hình 18. Sắp xếp nội thất theo cụm hoặc mặt phẳng để tạo vẻ ngăn nắp

     

    5.2. Phối hợp màu sắc 

    Với những đồ vật khi muốn sử dụng để bài trí, cần quy về cùng một hệ màu. Màu sắc trong phong cách công nghiệp phổ biến nhất là màu xám xi măng, màu xám đen và màu đen kim loại, ngoài hệ màu này là màu gỗ nhạt hơi có vẻ bạc màu.

    Vì vậy, để căn nhà trông hài hòa, đẹp mắt bạn chỉ nên lấy màu trắng, xám trắng hoặc xám đen làm màu sơn tường chủ đạo, các bề mặt khác nên xoay quanh nhóm màu nói trên.

    Muốn bổ sung khí sắc, bạn có thể thêm vào vàng nâu nhạt của gỗ tự nhiên, màu hồng bạc của những viên gạch cũ bám xi măng hoặc màu vàng nâu kiểu ghỉ sétkhông thêm vào các gam màu chói sáng, rực rỡ như đỏ, cam, vàng ...  

     

     

    Hình 19. Quy đổi về cùng hệ màu để giảm vẻ lộn xộn

     

    5.3. Tăng cường ánh sáng 

    Do sử dụng gam màu tối và lạnh nên lấy đủ ánh sáng là nguyên tắc quan trọng trong phong cách này. Nếu không đủ ánh sáng, căn phòng sẽ có vẻ âm u, tối tăm, vì vậy cần phải dùng cửa khổ lớn để tăng cường ánh sáng.

    Chọn kiểu đèn đơn giản, bố trí theo công năng chiếu sáng tổng thể, chiếu sáng phân vùng hay chiếu sáng điểm để làm nổi bật chủ đề trang trí.

     

    >> Hướng dẫn chọn mua và bố trí đèn chiếu sáng trong trang trí nội thất

     

    Không dùng rèm vải mỏng nhẹ để treo cửa, vì quá mềm mại, nữ tính. Nên chọn loại rèm mành nhôm, hoặc rèm thanh gỗ có thể thu gọn lên cao khi không sử dụng tới.

     

     

    Hình 20. Tăng cường ánh sáng để giảm nét âm u

     

    5.4. Sử dụng trần, tường, sàn thô

    Đối với hệ trần, không tạo trần trơn phẳng như các phong cách khác, cốt trần có thể lõm sâu xuống khoảng 300 mm so với các thanh xà gỗ, xà sắt hoặc đà ngang bê tông.

    Các loại dây điện, ống đồng máy lạnh, ống thoát nước bằng nhựa (ống Bình minh đường kính 60 hoặc 90 mm), ống cấp nước, ống dẫn nước nóng, ống cấp nước cứu hỏa (đường kính 21 hoặc 27 mm) ... tất cả nên sơn thành 1 hệ màu, ví dụ màu đen hoặc xám kim loại.

    Đường ống đi thành các mạch song song trên trần và dọc theo tường, không đi chéo chằng, lộn xộn, ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ.

     

     

    Hình 21. Các loại ống nổi đóng vai trò trang trí, không đi chồng chéo, lộn xộn

     

    6. Chọn màu sơn, vật liệu ốp lát phù hợp phong cách công nghiệp

    Đối với màu sơn, các gam màu nên chọn nhất là xám xi măng đến xám đen, lưu ý không nên chọn xám xanh (công thức pha màu có tinh màu Blue), vì khi đưa màu xám xanh vào, sẽ rất khó để tạo ra không gian đặc trưng của phong cách công nghiệp.

     

    >> Hướng dẫn chọn mua sơn nước và màu sơn theo các phong cách trang trí

     

    Nếu muốn căn phòng trông nhẹ nhàng, bạn có thể chọn màu trắng sơn trực tiếp lên bờ tường gạch thô chưa tô, phối hợp với các vật dụng bài trí màu đen kim loại và gỗ sẽ tạo ra vẻ đẹp cân bằng, vừa mắt.

     

     

    Hình 22. Chọn đúng màu xám xi măng, không chọn màu xám xanh

     

    Đối với màu nền, bạn có thể dùng sàn xi măng mài tuy nhiên thực sự chỉ phù hợp với khu vực công cộng, còn nếu đưa vào sử dụng cho căn hộ thì không được hợp lý lắm, vì tính bám bẩn khó vệ sinh và khả năng hấp thụ nhiệt tạo hàn tính không tốt cho trẻ em.

    Trường hợp nền bê tông bị bong tróc, vết tróc sẽ ngày càng lan rộng và xả bột xi măng ra căn phòng. Để thay thế, có thể lựa chọn các dòng Đá 60x60, 30x60 bề mặt giả xi măng hiện bán rất nhiều trên thị trường, vừa đảm bảo vẻ thẩm mỹ lại an toàn, dễ lau chùi và sử dụng.

    Ngoài ra, sử dụng gạch bông phối hợp nền bê tông cũng là một ý tưởng rất hay, vì sản phẩm có nét thô dày, tạo không gian cá tính, ấn tượng và bề mặt hoa văn có tính nghệ thuật cao.

     

    >> Sử dụng gạch bông trong trang trí nhà cửa 

     

     

     

    Hình 23. Nền xi măng mài chỉ phù hợp với khu vực công cộng

     

    Một ưu tiên nữa là nên sử dụng sàn gỗ vì gỗ rất hợp với phong cách này, nếu khu vực yêu cầu độ bền cao có thể thay thế bằng các loại đá giả gỗ 15x60, 15x80, 20x90, 25x120 cm ... với màu sắc và kiểu vân cực kỳ đa dạng hiện nay.

     

    >> Tham khảo màu sắc và giá các loại ván sàn

     

    7. Chọn nội thất phù hợp với phong cách công nghiệp

    Nội thất trong phong cách công nghiệp thường mang vẻ đẹp thô sơ, không chải chuốt, ví dụ bàn ghế sắt hoặc mô phỏng kiểu làm từ gỗ sàn, balet cũ, bóng đèn sợi đốt không chụp dây trần, các kệ treo đồ tận dụng từ cửa hoặc cửa sổ cũ, chậu cây làm từ thùng phuy ...
     

    Hình 24. Nội thất tạo hình theo kiểu cũ kỹ, tận dụng
     
    Nội thất trong phong cách công nghiệp trông khá thô, đơn giản, vuông vức. Không phù hợp với bề mặt bóng loáng, góc cạnh chuốt nhẵn, phẳng phiu như ở phong cách hiện đại. Không có nhiều chi tiết uốn lượn cầu kỳ, phụ kiện rườm rà như ở phong cách Cổ điển. Không chọn màu sắc sặc sỡ như ở phong cách đương đại. 
     

     
    Hình 25. Kiểu dáng đơn giản, thô sơ, không chải chuốt
     
    Chất liệu bề mặt phải là mặt mờ hoàn toàn, độ xuyên sáng gần như bằng không, màu sắc có thể là màu xám, màu đen, làm từ kim loại, thép không rỉ hoặc loại gỗ thô dạng khúc dày, nhạt màu như gỗ Thông, gỗ Táo. 
     
     

     

    Hình 26. Ưu tiên kiểu sản xuất từ nguyên liệu thô, không đánh bóng bề mặt

     

    8. Kết luận

    Bài viết đã cung cấp thông tin đầy đủ về một phong cách trang trí nhà cửa mới và lạ. Tuy đẹp nhưng khá kén khách, có thể không hợp với gu trang trí của rất nhiều người.

    Quý khách có thể tham khảo thêm các phong cách khác, để lên ý tưởng thiết kế và trang trí được căn nhà hoàn hảo nhất.

     

    >> Cẩm nang hướng dẫn trang trí nhà đẹp - Phần 1. Phong cách hiện đại

    >> Cẩm nang hướng dẫn trang trí nhà đẹp - Phần 2. Phong cách cổ điển

    >> Cẩm nang hướng dẫn trang trí nhà đẹp - Phần 3. Phong cách trung hòa

    >> Cẩm nang hướng dẫn trang trí nhà đẹp - Phần 4. Phong cách đương đại

    >> Cẩm nang hướng dẫn trang trí nhà đẹp - Phần 5. Phong cách công nghiệp

     

    Các thông tin trong Phần 5 cũng đã kết thúc nội dung Cẩm nang hướng dẫn trang trí nhà đẹp do chúng tôi xây dựng trên website trangtrinoithatxinh.vn. Rất mong nhận được những lời nhận xét, đánh giá, đặc biệt của các anh chị trong lĩnh vực chuyên môn thiết kế, trang trí nhà cửa để bài viết được hoàn thiện hơn. 

     

     

     

     

     

    Xem thêm:

    Hướng dẫn chọn mua máy nước nóng Năng lượng mặt trời 

    Tại sao nhiều mẫu vòi nước cao cấp lại có giá bán rất rẻ trên thị trường?

    Nên mua gạch ốp lát kích thước bao nhiêu để đảm bảo độ bền công trình?

    Cách chọn mua bàn cầu tiết kiệm chi phí?

    Làm sao để phân biệt gạch men và đá khi mua hàng?

    Làm thế nào để đánh giá chất lượng gạch men bằng mắt thường?

    Gạch bông là gì, nên sử dụng ở đâu là đẹp?

     

     

    ĐÁNH GIÁ SAO

    5
    1
    0 Đánh giá
    2
    0 Đánh giá
    3
    0 Đánh giá
    4
    0 Đánh giá
    5
    1 Đánh giá

    BÌNH LUẬN

    CCường Vương

    Mặt bê tông có nên sơn Epoxy màu xám không bạn?
    Trả lời Chia sẻ
    5 năm trước

    TTrangtrinoithatxinh.vn

    Dạ, sơn Epoxy chỉ thích hợp cho nhà xưởng, khu vực sân thôi ạ, nếu trong các phong, Anh có thể dùng đá vân gỗ xám, vừa đẹp, vừa bền, lại rất dễ lau chùi.
    Trả lời Chia sẻ
    5 năm trước

    PPhú Long - Hoa Lợi

    Gợi ý rất hay cho kiểu nhà cho thuê, cảm ơn ad
    Trả lời Chia sẻ
    5 năm trước

    MMinh Huy

    Một trong những phong cách trang trí nhà khá đẹp mắt, mình rất thích phong cách này

    Trả lời Chia sẻ
    3 năm trước
    Cửa, Ổ khóa, Phụ kiện
    0909313249