Cẩm nang hướng dẫn trang trí nhà đẹp - Phần 3. Phong cách trung hòa

( 24-04-2020 - 08:50 AM ) - Lượt xem: 2330

    Khi nhìn vào căn nhà trang trí theo Phong cách cổ điển, nếu bạn cảm thấy quá rườm rà và già cỗi, và khi nhìn vào căn nhà trang trí theo Phong cách hiện đại, bạn lại thấy quá đơn điệu và nhạt nhẽo, thì có thể gu thẩm mỹ trong trang trí nhà cửa của bạn thuộc Phong cách trung hòa.

    Phong cách trung hòa hay còn gọi là Phong cách chuyển tiếp (Transitional Style), là kiểu thiết kế có sự điều chỉnh đa hướng, kế thừa và phát triển Phong cách cổ điển theo xu hướng hiện đại hơn. Do có ưu điểm là dễ dàng pha trộn nét đẹp cổ điển và hiện đại để tạo vẻ đẹp cân bằng, phù hợp với đại đa số khách hàng, nên Trung hòa trở thành một trong những phong cách phổ biến nhất trong lối kiến trúc hiện nay

     

    trang trí nhà đẹp rộng thoáng

     

    Hình 1. Phong cách trung hòa mang vẻ đẹp cân bằng giữa cổ điển và hiện đại

     

    Vậy căn nhà trang trí theo Phong cách trung hòa trông sẽ như thế nào, thực hiện có dễ dàng không, hãy cùng Trangtrinoithatxinh.vn - Trang vàng bán hàng nội thất, tìm hiểu thêm về phong cách này trong nội dung Phần 3 của Cẩm nang hướng dẫn trang trí nhà đẹp, ấn phẩm do chúng tôi biên soạn độc quyền cho Website Trangtrinoithatxinh.vn, nhằm phục vụ khách hàng tốt hơn trong quá trình định hướng trang trí, chọn mua nội thất và hoàn thiện công trình.

     

    Phần 3 - Phong cách trung hòa

     

    1. Trang trí theo phong cách trung hòa xuất hiện khi nào?

    2. Đặc trưng của căn nhà mang phong cách trung hòa là gì?

    3. Khi nào thì nên chọn phong cách trung hòa trong trang trí nội thất?

    4. Trang trí nội thất theo phong cách trung hòa cần tuân thủ theo các nguyên tắc gì?

    5. Chọn màu sơn, vật liệu ốp lát như thế nào là phù hợp với phong cách trang trí trung hòa nhất?

    6. Làm sao để chọn mua nội thất phù hợp với căn nhà mang phong cách trung hòa?

     

    1. Trang trí theo phong cách trung hòa xuất hiện khi nào?

    Sự xuất hiện của Phong cách trang trí hiện đại vào khoảng cuối thế kỷ 19 vấp phải sự tẩy chay quyết liệt của những người theo trường phái cổ điển, bởi theo họ, thiết kế hiện đại quá đơn điệu, đường nét thô cứng, thiếu hẳn vẻ duyên dáng, tính nghệ thuật mà một công trình kiến trúc cần phải có. Tuy nhiên, Phong cách hiện đại vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ, vì tính ưu việt trong thời gian thi công và tiện lợi trong sử dụng, phù hợp với nhịp điệu cuộc sống trong thời kỳ công nghiệp mới.

    Khoảng những năm 1950s, Phong cách trung hòa ra đời với mục đích giảm bớt vẻ cứng nhắc của Phong cách hiện đại, tinh giản kiểu rườm rà của Phong cách cổ điển, được mô tả bằng cụm từ "classic with a modern take", có nghĩa là sử dụng thiết kế cổ điển theo cách hiện đại hơn. Theo hướng tiếp cận này, Trung hòa còn được gọi là Phong cách tân cổ điển, mang lại vẻ đẹp độc đáo và hợp thời cho các công trình, được các Kiến trúc sư ưa chuộng bởi có thể phá bỏ quy tắc cũ, có nhiều không gian sáng tạo và thể hiện dấu ấn cá nhân. Đặc điểm không quá thiên lệch theo phong cách hiện đại hay cổ điển là một ưu điểm lớn, giúp quá trình lựa chọn và bài trí nội thất trở nên dễ dàng hơn. 

     

    trang trí mặt tiền đẹp

     

    Hình 2. Phong cách trung hòa mang vẻ đẹp độc đáo và hợp thời

     

    2. Đặc trưng của căn nhà mang Phong cách trung hòa là gì?

    Trong khi vẻ đẹp của Phong cách cổ điển thiên về tính nữ (Fermine), Phong cách hiện đại thiên về tính nam (Masculine), thì vẻ đẹp của căn nhà mang Phong cách trung hòa nằm ở giữa, là lựa chọn trung tính, phù hợp với mọi đối tượng sử dụng.

     

    trang tri nha phu hop voi ca nam va nu

     

    Hình 3. Vẻ đẹp cân bằng, phù hợp với mọi giới tính

     

    Cho đến thời gian gần đây, Phong cách trung hòa còn được mở rộng thêm sang các phong cách khác, bổ sung thêm đặc tính chú trọng nghệ thuật của Phong cách đương đại, hoặc vẻ sơ sài của Phong cách công nghiệp, nhằm đa dạng hơn thiết kế của mình. Chính đặc điểm trộn lẫn nhiều phong cách, kết hợp với khả năng sáng tạo không giới hạn của Kiến trúc sư, nên rất khó xác định đặc điểm riêng biệt thực sự của Phong trung hòa. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ đi sâu vào mô tuýp Tân cổ điển, dấu ấn của các căn nhà được thiết kế theo Phong cách trung hòa - mô tuýp Tân cổ điển thể hiện qua 3 điểm chung nhất như sau:

     

    - Sử dụng gam màu ấm và phối hợp nhiều loại chất liệu trong bài trí:

    Phong cách trung hòa luôn gợi lên không khí êm đềm, mang lại cảm giác thư giãn thực sự, không gây cảm giác ngột ngạt, nặng nề cho người cư trú lâu dài. Nghệ thuật phối màu trong Phong cách trung hòa rất được chú trọng, nhóm màu trung tính (Neutral) gam màu ấm luôn giữ vai trò chủ đạo, thường dùng sàn nhà và tường màu nhạt, nội thất màu gỗ nâu đậm làm điểm nhấn trong bài trí.

     

    hoai co

     

    Hình 4. Mang lại cảm giác thư giãn thực sự

     

    Ngoài các đồ vật bằng gỗ, vải truyền thống, phong cách này còn sử dụng phối hợp các đồ vật kim loại hoặc thép không rỉ nhằm tăng cảm giác về độ sâu, tạo vẻ ngăn nắp, mới mẻ cho căn nhà. Chất liệu, màu sắc kim loại còn đóng vai trò là yếu tố cân bằng trong mỹ học.

     

     

    Hình 6. Phối hợp chất liệu thép không rỉ để tạo vẻ đẹp hiện đại

     

    - Đường viền thẳng và tối giản chi tiết trang trí:

    Căn nhà Phong cách trung hòa nhìn thoạt qua có thể nhầm tưởng là thiết kế của Phong cách cổ điển, vì luôn xuất hiện đường viền trong trang trí. Tuy nhiên nếu quan sát kỹ, chúng ta sẽ thấy họa tiết hoa lá bị tiết giảm, mặt cắt đường viền theo mô típ hiện đại nên ở dạng thẳng, trơn, kiểu dáng đơn giản, không uốn lượn nhiều tầng.

     

     

    Hình 7. Sử dụng đường viền đơn giản, tiết giảm họa tiết trang trí

     

    Kiểu đường viền thẳng giúp phong cách Trung hòa có vẻ đẹp mạnh mẽ, đồng thời nhờ sự tối giản nên không gây ra cảm giác nặng nề, vụn vặt do được thêm vào quá nhiều chi tiết.

     

     

    Hình 8. Vẻ đẹp mạnh mẽ nhưng rất duyên dáng của Phong cách trung hòa

     

    - Cửa sổ kích thước lớn và thiết kế thông sàn:

    Trong khi Phong cách cổ điển thường mở cửa sổ vòm cao nhưng có bề ngang hạn chế, một bờ tường dọc theo chiều dài căn nhà có thể cùng lúc mở nhiều cửa sổ độc lập với nhau, cửa sổ là thành phần rất được chú trọng trong thiết kế, giữ vai trò trang trí, được bố trí cân đối để kiến tạo vẻ đẹp tổng thể của căn nhà. Phong cách trung hòa thường có cửa sổ kích thước lớn cả hai chiều giống như ở Phong cách hiện đại, có thể mở rộng đến hết vách tường, với mục đích mở rộng tầm nhìn và thu nhận ánh sáng tự nhiên, hơn là tham gia vào vai trò trang trí.

     

     

    Hình 9. Cửa sổ mở rộng để lấy ánh sáng tự nhiên

     

    Kế thừa thiết kế điển hình của Phong cách hiện đại là thông sàn (Open Floor Plan) giữa khu vực phòng khách và bếp, điểm khác biệt của Phong cách trung hòa là đặt bàn đảo độc lập ở khoảng giữa, không dịch về 1 phía tường. Cách bài trí này sẽ hạn chế tầm nhìn, tránh được nhược điểm trống trải, thông suốt do cách bài trí trên cùng 1 mặt phẳng của Phong cách hiện đại tạo ra.

     

     

    Hình 10. Luôn có bàn đảo nằm ở giữa khoảng thông sàn

     

    3. Khi nào thì nên chọn phong cách trung hòa trong trang trí nội thất?

    Ưu điểm lớn nhất của Phong cách trung hòa là mang lại cảm giác ấm áp, tạo ấn tượng về sự nồng ấm, nhiệt tình của chủ nhân đối với khách ghé thăm. Phong cách trung hòa phù hợp với người hoài cổ, là mẫu người thực tế nhưng thích có những khoảng không gian, thời gian riêng tư để hồi tưởng về thời khắc xưa cũ.

     

    trang tri nha dep 4

     

    Hình 10. Phong cách trung hòa phù hợp với kiểu người hiện đại nhưng hoài cổ

     

    Phong cách Trung hòa đặc biệt phù hợp với khách hàng muốn xây sửa nhà và sử dụng lại nội thất cũ còn tốt. Đồ vật cũ luôn mang dấu ấn thời gian và kỷ niệm, điều mà nội thất mới khó có thể thay thế được. Do vẻ đẹp của nội thất cũ chỉ tỏa sáng khi được đặt đúng không gian, nên căn nhà trang trí theo Phong cách trung hòa giữa hiện đại và cổ điển luôn lựa chọn an toàn nhất cho trường hợp này.

     

     

    Hình 11. Phong cách trung hòa là lựa chọn tốt nhất cho trường hợp muốn sử dụng lại nội thất cũ 

     

    Do sử dụng chỉ viền để giảm bớt vẻ đơn điệu, nên Phong cách trung hòa sẽ không phù hợp với nhà quá nhỏ hoặc nhà thấp trần, với trường hợp nhà phố muốn trang trí theo Phong cách trung hòa, thì nên thiết kế trần tương đối cao, giảm bớt tường ngăn để nới rộng không gian cho phù hợp hơn.

     

    tran cao

     

    Hình 12. Phong cách trung hòa không phù hợp với nhà nhỏ hoặc nhà thấp trần

     

    4. Trang trí nội thất theo phong cách trung hòa cần tuân thủ theo các nguyên tắc gì?

    Dù có tính chất trộn lẫn, nhưng không có nghĩa Trung hòa là phong cách dễ dãi, có thể thêm bớt bất cứ điều gì. Để căn nhà trang trí theo Phong cách trung hòa trông hài hòa, thẩm mỹ, không rơi vào các lỗi bài trí lạc điệu, cần tuân thủ các nguyên tắc sau:

    - Với mục đích hạn chế vẻ lạnh nhạt của Phong cách hiện đại, Phong cách trung hòa không sử dụng gam màu lạnh trong trang trí, sắc thái ấm áp là nguyên tắc quan trọng khi lựa chọn màu sơn và vật dụng nội thất. Tuy nhiên nếu căn nhà ở khí hậu nhiệt đới và bạn muốn giảm bớt cảm giác nóng nực vì màu ấm quá nhiều, thì có thể phối thêm màu trung tính như màu trắng, màu xám Kaki hoặc hoặc nâu đen. Màu xanh ngọc có thể thêm vào để tạo khung cảnh tươi tắn hơn, nếu muốn làm mát mắt bằng gam màu xanh dương thì phải thật đậm như màu xanh đen, không nên dùng màu xanh biển tươi tắn vì sẽ rất lạc lõng, tạo lỗi chênh phô trong trang trí.

     

     

    Hình 13. Sử dụng màu xanh mực đậm nếu muốn Phong cách trung hòa trông mát mẻ hơn

     

    - Để hạn kiểu rườm rà, nặng nề của Phong cách cổ điển, các đường viền mép tường, viền cửa, viền đồ gỗ nội thất chỉ nên là đường thẳng, đơn giản, các cấp chỉ nên gom thành 1 cấp, tối đa là 3 cấp, không nên chia nhỏ thành 5 cấp chỉ viền. 

     

     

    Hình 14. Hạn chế chia nhỏ nhiều cấp chỉ viền để giảm bớt vẻ rườm rà

     

    Chọn mẫu rèm cửa chất liệu vải trơn mịn, nhẹ nhàng như Phong cách cổ điển, nhưng cách may đo đơn giản, không sử dụng nhiều phụ kiện, gấp nếp bèo nhún cầu kỳ. Để tránh vẻ già cỗi, hạn chế chọn chất liệu nhung, họa tiết vải rèm cửa, drap, Sofa nên thanh thoát, nhẹ nhàng bằng cách màu hoa và màu nền vải không nên quá chênh lệch nhau.

     

     

    rèm cửa nhẹ nhàng

     

    Hình 15. Chọn rèm cửa hoa văn nhẹ nhàng, kiểu dáng đơn giản để tránh vẻ già cỗi

     

    - Nếu muốn tăng thêm tính nghệ thuật cho công trình, có thể sử dụng các bức tranh gây ấn tượng mạnh làm điểm nhấn, thu hút sự chú ý như ở Phong cách đương đại. Tranh treo tường nên chọn 1 bức khổ lớn thay vì chia nhỏ thành nhiều bức và ghép so le, tranh có màu sắc và đường nét đậm đà, tranh (và gương treo tường) lồng trong khung có đường viền kích thước trung bình, đường viền quá lớn hay quá mảnh đều không phù hợp.

     

    tranh treo tuong trang tri

     

    Hình 16. Sử dụng thêm tranh ảnh trang trí

     

    5. Chọn màu sơn, vật liệu ốp lát như thế nào là phù hợp với phong cách trang trí trung hòa nhất?

    Do đặc trưng của Phong cách trung hòa là sử dụng gam màu ấm, nên các màu nhạt được ưa chuộng nhất là màu ngà (Ivory), màu be (Beige), màu kem (Cream) và màu da (Tan), phối hợp với nhóm màu đậm là nâu sẫm (Taupe), xám nâu (Khaki) và nâu đen (Dark Brown) trong trang trí

     

    sơn màu váng cát

     

    Hình 17. Các gam màu đặc trưng của Phong cách trung hòa

     

    Không sử dụng nhiều họa tiết như ở kiểu cổ điển, cũng không trơn phẳng hoàn toàn như ở kiểu hiện đại, trần nhà của Phong cách trung hòa thường được tạo hình với các đường cong nhẹ theo kiểu ô van, chiếc lá, quả trám, hoặc dùng chỉ viền trong trang trí. Việc phối màu sơn trần nên được cân nhắc kỹ lưỡng, không nên sử dụng các màu sắc chói sáng như Đỏ tươi, Cam, Xanh chuối cường độ mạnh để sơn nhấn lên trần, những sắc màu này khi đưa vào, sẽ phá vỡ vẻ đẹp cân bằng mà Phong cách trung hòa hướng tới.

     

     

    Hình 18. Không sử dụng màu sắc chói sáng trong Phong cách trung hòa

     

    Nếu muốn tạo vẻ đẹp đơn giản, sang trọng và có chút cá tính, có thể chỉ sử dụng 1 màu sơn duy nhất cho tường và 1 màu sơn trắng duy nhất cho trần, mặt lồi của cấp trang trí và chỉ viền nên sơn trắng theo màu trần, mặt lõm ngược lại âm xuống đáy trần, nên sử dụng màu sơn tường để tạo điểm nhấn.

     

    màu sơn đơn giản sang trọng

     

    Hình 19. Cách sơn ngược màu tường lên trần nhà

     

    Vật liệu ốp lát nên sử dụng đá mặt bóng hoặc bán bóng, có thể ghép phối gạch ốp lát theo kiểu chữ Công, kiểu Chong chóng lệch ron 1/3 viên gạch của cùng 1 loại gạch, nếu muốn phối 2 màu gạch đen trắng, thì chỉ nên phối ở góc nhỏ, không nên phối nguyên viên gạch lớn dạng ô bàn cờ.

     

    kiểu lót gạch đẹp

     

    Hình 20. Phối gạch đơn giản, không quá rối mắt

     

    Nếu sử dụng sàn gỗ, nên chọn gỗ ở gam màu trung gian, không quá nhạt theo kiểu hiện đại, cũng không quá đậm đà như ở kiểu cổ điển để tránh vẻ nặng nề.

     

    cua so lon

     

    Hình 21. Màu sàn gỗ không nên quá đậm hoặc quá nhạt

     

    6. Làm sao để chọn mua nội thất phù hợp với căn nhà mang phong cách trung hòa?

    Vật liệu nội thất trong phong cách Trung hòa rất đa dạng, có thể sử dụng kết hợp linh hoạt giữa gỗ, kính, kim loại, mây tre, vải ..., tuy nhiên nội thất nên nguyên khối lớn, vật liệu tách rời, không đính kèm nhiều loại phụ kiện khác chất liệu với nhau, ví dụ, bàn gỗ thì không nên đính thêm inox với mục đích trang trí.

     

     

    Hình 22. Nội thất không nên đính thêm các phụ kiện kim loại

     

    Nhằm hạn chế vẻ cứng nhắc của Phong cách hiện đại, tránh chọn các hình khối hình học cơ bản như khối vuông, khối tròn, cạnh bên sắc nhọn, các góc vuông vức 90 độ. Nếu trường hợp phải chọn khối vuông, thì nên chọn những mẫu cạnh bên cong tròn, đường nét uốn lượn, góc tù lớn hơn 90 độ. Lưu ý, các chi tiết không uốn lượn nhiều cấp để tránh nhược điểm rườm rà của Phong cách cổ điển.

     

     

    Hình 23. Nội thất có cạnh uốn cong để tránh vẻ cứng nhắc

     

    Vật dụng nội thất nên chọn bề mặt bán bóng, nhằm tăng phản chiếu ánh sáng, nhưng không quá lấp lánh. Bề mặt bán bóng giúp hạn chế vẻ chói sáng, làm dịu bớt cảm nhận màu sắc, tạo vẻ đẹp ôn hòa hơn.

     

     

    Hình 24. Vật dụng bề mặt bán bóng để dịu bớt màu sắc

     

    Về kích thước, chỉ nên chọn vật dụng có kích thước trung bình, không chọn kích thước lớn nhất và nhỏ nhất mà nhà sản xuất đưa ra, vì vật dụng kích thước lớn chỉ phù hợp với vẻ phô trương, còn kích thước nhỏ lại phù hợp với kiểu trang trí rườm rà của Phong cách cổ điển.

     

     

    Hình 25. Kích thước vật dụng không chọn loại quá lớn hoặc quá bé so với không gian chung

     

    Nếu chọn nội thất Da cho Phong cách trung hòa, nên chọn chất liệu da thuộc, gam màu da tự nhiên, để đảm bảo không lạc điệu so với bài trí chung của phong cách này.

     

     

    Hình 26. Nội thất Da nên chọn màu da tự nhiên

     

    Khi sử dụng nội thất Vải, chất liệu ưu tiên là kiểu Da lộn, Nhung kẻ sọc hoặc Vải sợi gai thô, nằm ở các gam màu Xanh oliu hơi rêu (Olive), Nâu ghỉ sét (Taupe), Trắng kem (Creamy White) và màu Da (Tan), tránh xa các loại vải in hoa văn cầu kỳ, phức tạp.

     

    ghe chat lieu vai nhung


    Hình 27. Vải da lộn rất phù hợp với Phong cách trung hòa

     

    Từ các thông tin và hình ảnh chia sẻ trong bài viết  có thể thấy, thiết kế và trang trí nhà cửa theo Phong cách trung hòa không phải là quá khó, tuy nhiên khi chọn lựa nội thất, chúng ta phải tiết chế hoa văn và không chọn nội thất có đường nét uốn lượn quá mức, vì rất dễ rơi vào nhược điểm rường rà của Phong cách cổ điển. Về phía ngược lại, cũng không nên chọn nội thất trơn phẳng hoàn toàn, vì sẽ làm mất đi vẻ đẹp duyên dáng của phong cách này.

    Các bạn có thể tìm hiểu thêm về 4 phong cách còn lại là Phong cách hiện đại, Phong cách cổ điển, Phong cách đương đại Phong cách công nghiệp để có lựa chọn đúng đắn nhất cho gia đình mình.

     

     

     

    Cùng chủ đề:

    Cẩm nang hướng dẫn trang trí nhà đẹp - Phần 1. Phong cách hiện đại

    Cẩm nang hướng dẫn trang trí nhà đẹp - Phần 2. Phong cách cổ điển

    Cẩm nang hướng dẫn trang trí nhà đẹp - Phần 3. Phong cách trung hòa

    Cẩm nang hướng dẫn trang trí nhà đẹp - Phần 4. Phong cách đương đại

    Cẩm nang hướng dẫn trang trí nhà đẹp - Phần 5. Phong cách công nghiệp

     

    Cẩm nang mua hàng:

    Cẩm nang mua hàng - Phần 1. Chọn mua bàn cầu tiết kiệm chi phí

    Cẩm nang mua hàng - Phần 2. Công thức chọn mua kích thước gạch ốp lát phù hợp

    Cẩm nang mua hàng - Phần 3. Tiêu chí chọn mua máy nước nóng Năng lượng mặt trời 

    Cẩm nang mua hàng - Phần 4. Hướng dẫn chọn mua đá sân vườn

     

    Xem thêm:

    Tại sao nhiều mẫu vòi nước cao cấp lại có giá bán rất rẻ trên thị trường?

    Nên mua gạch ốp lát kích thước bao nhiêu để đảm bảo độ bền công trình?

    Cách chọn mua bàn cầu tiết kiệm chi phí?

    Làm sao để phân biệt gạch men và đá khi mua hàng?

    Làm thế nào để đánh giá chất lượng gạch men bằng mắt thường?

    Gạch bông là gì, nên sử dụng ở đâu là đẹp?

     

    ĐÁNH GIÁ SAO

    0
    1
    0 Đánh giá
    2
    0 Đánh giá
    3
    0 Đánh giá
    4
    0 Đánh giá
    5
    0 Đánh giá

    BÌNH LUẬN

    Cửa, Ổ khóa, Phụ kiện
    0909313249