Cẩm nang mua hàng - Phần 4. Hướng dẫn chọn mua đá sân vườn

( 25-11-2022 - 09:27 AM ) - Lượt xem: 3546

    Chọn mua đá sân vườn thường diễn ra vào giai đoạn gần cuối của quá trình làm nhà. Lúc này khách hàng rất bối rối, không biết nên mua đá gì cho bền và cứng, màu sắc như thế nào cho đẹp và sạch, bề mặt như thế nào để chống trơn trượt và dễ vệ sinh, kích thước và độ dày như thế nào là tốt, giá cả như thế nào hợp lý. Để giúp khách hàng thuận tiện hơn trong quá trình tra cứu thông tin và ra quyết định, trangtrinoithatxinh.vn sẽ tổng hợp các thông tin cần thiết, liên quan đến các loại đá sân vườn phổ biến ở Việt Nam hiện nay, trong Phần 4 - Hướng dẫn chọn mua đá sân vườn, do chúng tôi ấn bản độc quyền sau đây.

     

    >> Xem thêm toàn bộ Cẩm nang hướng dẫn mua hàng

     

    chon mua da san vuon

     

    1. Khái niệm đá sân vườn

    Trong phạm vi bài viết của chúng tôi, đá sân vườn sẽ bao gồm các loại đá có nguồn gốc tự nhiên (natural stone), với đặc điểm là khai thác tự nhiên, có độ dày phổ biến từ 1,8 - 3 cm, cắt theo quy cách hình vuông, hình chữ nhật, hình lục giác ... chế tác bề mặt chống trượt tự nhiên.

    Khái niệm trên được dùng để phân biệt với loại đá sân vườn nhân tạo được ép từ bê tông hoặc bột đá, độ dày từ 0,8 - 4 cm, đúc theo khuôn và tạo hình bề mặt kiểu hoa văn rãnh khía, hạt sỏi lồi lõm, vệt gợn nhám ... đồng nhất

    2. Phân loại đá sân vườn

    2.1. Phân loại theo nguồn gốc hình thành

    Tiếp cận từ góc độ thị trường Việt Nam, tùy theo nguồn gốc hình thành, đá sân vườn hiện gồm 2 nhóm chính:

    2.1.1. Đá Granite (Hoa cương)

    2.1.1.1. Nguồn gốc hình thành đá Granite

    Đá Granite hay còn gọi là đá hoa cương, có nguồn gốc từ Magma nóng chảy ở vùng lõi trái đất, nguội dần theo thời gian và kết tinh thành đá. Thời gian làm nguội càng lâu, hạt tinh thể kết tinh càng lớn, đá càng cứng chặt do mật độ nén cao. Đây là lớp đá gốc, có độ cứng cao nhất trong các loại đá tự nhiên, độ cứng nằm trong khoảng từ 6,5 - 7 độ Mohs (thang đo độ cứng của vật liệu)

    2.1.1.2. Thành phần cấu tạo đá Granite

    Gồm 5 nhóm chính như sau:

    Thạch anh (Quartz)

    Thạch anh có công thức cấu tạo từ SiO nguyên chất, độ xuyên sáng (trong suốt) cao, màu sắc có thể là trắng, hồng, xám, nâu, vàng, đen. Độ cứng lớn hơn 7 trong thang đo Mohs nên rất bền vững, tinh thể càng trong suốt thì độ cứng càng cao.

    Ưu điểm của Thạch anh là bền với mọi điều kiện thời tiết, không bị hóa chất phá hủy, bền hơn đa số vật chất có trong tự nhiên (chỉ sau đá Topaz và Kim cương)

     

    rock crystal quartz

     

    Hình 1. Thành phần Thạch anh (Quartz) trong đá Granite

     

    Tràng thạch (Feldspar) 

    Tràng thạch là hợp chất của SiO2 kết hợp thêm với 1 trong các loại khoáng gồm Na, K và Ca, nên có tính chất phản xạ ánh sáng tạo vẻ óng ánh. Tùy theo thành phần kim loại mà màu sắc tràng thạch có thể là trắng, hồng, xám, nâu, vàng, cam, đỏ, đen, xanh dương và xanh lục. Điểm khác biệt lớn nhất giữa Tràng thạch và Thạch anh là tinh thể có độ đục cao. Độ cứng nằm trong khoảng 6 - 6,5 độ Mohs

    Khoáng đen (Amphiboles)

    Khoáng đen là hợp chất của các loại quặng Fe, Mg, Ca ... và 2 phân tử SiO tinh thể luôn có màu sẫm đến đen, độ cứng nằm trong khoảng từ 5 - 6 độ Mohs.

    Khoáng nhẹ (Mica)

    Công thức cấu tạo Mica gồm 1 phân tử Silicon ở trung tâm và 4 phân tử Oxi bao xung quanh thành khối tứ diện, kết hợp với các loại khoáng K và Al (Nhôm). Các màu sắc trong tự nhiên gồm trắng, nâu, hồng tím, đen và xanh lục. Bề mặt tinh thể trơn nhẵn (gần giống bề mặt nhựa), độ cứng khá thấp, nằm trong khoảng từ 2,5 - 4 độ Mohs, nên dễ bị trầy xước, kém bền trong tự nhiên.

    Khoáng vết

    Thành phần chất khoáng này rất đa dạng, hiện diện với tỉ lệ thấp (dạng vết), đa số không đóng góp nhiều vai trò vào độ bền của đá. Trong một số ít trường hợp, chất này có thể góp phần tạo ánh màu khác biệt cho vân đá, dùng để phân biệt các loại đá khác nhau trong nghiên cứu

    Thành phần đá Granite

    Hình 2. Thành phần Khoáng vết hiện diện rất thấp trong đá Granite, khó quan sát bằng mắt thường

     

    2.1.1.3. Đặc điểm nhận dạng đá Granite

    Khối đá Granite luôn có các tinh thể nhiều màu hay còn gọi là bông đá (hoa cương). Tùy theo kích thước, có thể phân chia thành 3 dạng là đá hạt mịn có kích thước tinh thể dưới 1 cm, đá hạt thô có kích thước từ 1 - 5 cm, và đá hạt lớn từ 5 cm trở lên. Tùy theo cách phân bố hạt tinh thể, có thể phân chia thành 2 dạng đá hoa văn phân bố đều, và đá hoa văn phân bố định hướng theo dòng ion, tạo thành các dải vân lớn khác màu song song trong khối đá.

     

    các kiểu vân đá granite

    Hình 3. Hai kiểu phân bố tinh thể cơ bản trong phân loại đá Granite

     

    2.1.2. Đá Basalt (Bazan)

    2.1.2.1. Nguồn gốc hình thành đá Basalt

    Đá Basalt có nguồn gốc hình thành từ Magma giống đá Granite, tuy nhiên trong khi Granite hình thành tại chỗ, thuộc nhóm đá xâm nhập, thời gian làm nguội kéo dài hàng trăm năm, thì Basalt thuộc nhóm đá phún trào, hình thành trong quá trình Magma trồi lên theo các khe nứt trên vỏ trái đất, thời gian làm nguội rất nhanh, chỉ từ vài ngày đến vài tháng. Do tiến trình làm nguội nhanh, nên kết cấu của đá Basalt không đặc rắn bằng đá Granite, độ cứng thấp hơn, nằm trong khoảng từ 5 - 6 độ Mohs.

    2.1.2.2. Thành phần cấu tạo đá Basalt

    Mặc dù cũng có nguồn gốc từ Magma, nhưng do chưa bão hòa Silica, nên ở đá Basalt có hiện tượng phong hóa. Thành phần Tràng thạch của đá Basalt sẽ liên kết với các kim loại nặng có trong vỏ trái đất, tạo thành tinh thể màu nâu đỏ hoặc vàng ghỉ sét nếu kết hợp với Fe (Sắt), xám ánh kim nếu kết hợp với Cr (Chrome) hoặc màu đen nếu kết hợp với Mg (Magne). Ngoài ra, do tác động của nhiệt độ núi lửa, 1 phần Thạch anh sẽ bị nung chảy thành Pyroxen, tạo thành các hạt thủy tinh trong suốt. Khoáng vết trong đá là hợp chất Olivine màu xanh rêu.

    Do không đủ thời gian ninh kết thành tinh thể, nên các thành phần nêu trên sẽ bị xáo trộn thành hỗn hợp đồng nhất, với màu sắc khác biệt tùy theo vùng địa chất.

    2.1.2.3. Đặc điểm nhận dạng đá Basalt

    Đá Basalt nhìn chung có màu từ vàng nâu, xám rêu sẫm đến đen, tinh thể dạng hạt rất mịn, khó phân biệt được bằng mắt thường. Có 2 dạng đá Basalt là đá khối đặc và đá khối rỗng, tùy thuộc vào sự có hay không xuất hiện của các dòng thoát bọt khí, để lại vết tích là các lỗ tròn rỗng trong đá.

    Về đá khối đặc, phân loại sẽ tùy theo màu sắc là đá vàng, nâu, xám, đen ... Cách phân loại này mang tính định tính cao, chất lượng đá không mấy khác biệt giữa các màu, ngoại trừ trường hợp đá màu vàng nâu có thể xuất hiện vết ghỉ sắt trên mặt đá sau một thời gian sử dụng, do hiện tượng oxi hóa Sắt từ nước mưa. Đối với đá khối rỗng, tùy kích thước lỗ rỗng lớn hay nhỏ, trên thị trường sẽ có 2 loại đá là Basalt Tổ ongBasalt Ong Kiến. Mật độ lỗ rỗng càng nhiều, kích thước càng lớn thì đá càng kém ổn định về mặt kết cấu và giảm độ cứng chịu lực. 

     

    các loại đá bazan

     

    Hình 4. Phân loại đá Basalt ứng dụng trong sân vườn

     

    2.2. Phân loại theo kiểu bề mặt 

    Hiện nay trên thị trường có 7 kiểu bề mặt chính gồm:

    2.2.1. Đá sân vườn mặt chẻ

    Đá chẻ được chế tác thủ công theo phương pháp chẻ tách lớp từ 01 phiến đá lớn, sử dụng búa và đục bản mỏng để chẻ đá theo các lớp khoảng 2  - 5 cm dùng để lót sân vườn. Do chẻ thủ công nên đá có độ dày mỏng không chính xác, bề mặt có vân nổi ngẫu nhiên theo vân đá nên được khách hàng yêu thích do trông rất tự nhiên, đặc biệt khi phối hợp với cảnh quan trồng nhiều cây cỏ. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, nếu vết lồi hoặc lõm quá lớn, có thể gây vấp hoặc hụt bước chân. Đặc điểm của đá chẻ là gần như không thể vệ sinh bề mặt, đá sẽ bám bẩn, xỉn màu theo thời gian sử dụng.

    2.2.2. Đá sân vườn mặt thô

    Đá thô là đá cắt bằng máy nên kích thước đồng đều, bề mặt phẳng, hạn chế được nhược điểm của đá chẻ nêu trên. Đá không trải qua công đoạn mài nên bề mặt có độ nhám tự nhiên, tuy có ưu điểm là ít bám bẩn, nhưng trong điều kiện sân vườn, bề mặt này có thể gây trơn trượt khi trời mưa.Trong trường hợp đi chân không, bề mặt đá thường mang lại cảm giác khô ráp lòng bàn chân ở vị trí tiếp xúc.

    2.2.3. Đá sân vườn mặt mờ

    Quá trình mài mờ (Honed) sử dụng đầu mài kích thước nhỏ ở tốc độ cao, kết hợp phủ dầu thông để che lấp, làm mịn bề mặt, nên bề mặt đá mờ mịn, tạo cảm giác rất dễ chịu, khác hẳn với bề mặt thô khi tiếp xúc. Bề mặt mờ không phản xạ ánh sáng như đá mài bóng nên mang lại vẻ đẹp gần gũi, tự nhiên. Ưu điểm là rất dễ vệ sinh, lau chùi, hạn chế được vết trầy xước lộ rõ trên bề mặt. Do có độ ma sát thấp nhất trong 6 loại bề mặt đá sân vườn, nên đá mái mờ chỉ nên dùng ở khu vực lối đi có mái che để hạn chế trơn trượt.

    2.2.4. Đá sân vườn mài cát

    Mài cát là quá trình nhà sản xuất tạo hỗn hợp cát thô pha với nước, dùng súng phun bắn vào bề mặt đá cắt thô. Tinh thể cát khi tiếp xúc áp lực cao sẽ tạo vết lõm nhỏ bằng hạt cát trên bề mặt đá, có tác dụng dễ vệ sinh và chống trơn trượt. Tuy nhiên trong điều kiện thời tiết trời mưa kết hợp với lốp xe mòn, nếu đi nhanh và thắng gấp, xe có thể bị trượt vì độ ma sát của đá mài cát chỉ ở mức trung bình.

    2.2.5. Đá sân vườn mặt băm

    Đá băm mặt có hệ số ma sát cao, được chế tác bằng cách dùng đầu kim kích thước từ 10 - 15 mm, băm liên tục lên bề mặt đá. Do yêu cầu hệ thống máy móc tải trọng lớn, nên đá băm thường được sản xuất ở các nhà máy chuyên nghiệp, băm đá nguyên tấm lớn rồi mới chuyển qua công đoạn cắt thành các quy cách khác nhau. 

    Bề mặt đá băm thường khá đồng nhất, tính thẩm mỹ cao nhưng cũng có nhược điểm là khó vệ sinh, đặc biệt trong trường hợp dung dịch đậm màu như trà, cà phê ... thẩm thấu vào lỗ băm trên bề mặt đá. Ngoài ra, giá thành đá băm cao, và sản phẩm không thể hiện được hình ảnh bông đá tự nhiên như các bề mặt khác.

    2.2.6. Đá sân vườn mặt khò

    Bề mặt đá được đốt bằng lửa gas ở nhiệt độ cao, nên các thành phần kém bền như Mica, Tràng thạch ... sẽ bị cháy tạo thành vệt gợn nhám ngẫu nhiên trên bề mặt. Do bị đốt cháy nên bề mặt đá khò thường có màu sẫm hơn so với các kiểu bề mặt khác, phần không cháy còn lại chủ yếu là Thạch anh nên có ưu điểm là rất bền vững, ít bị tác động từ các loại hóa chất. 

    Bề mặt đá khò chống trơn trượt rất tốt, vệt nhám không đồng đều, giữ được một phần hình ảnh bông đá nên trông tự nhiên hơn đá băm, tuy nhiên cũng có nhược điểm là chế tác thủ công, nên chất lượng bề mặt một phần phụ thuộc vào tay nghề thợ.

    2.2.7. Đá sân vườn khắc rãnh

    Từ 6 bề mặt đá nêu trên, tất cả các loại đá đều có thể chế tác, tạo hình bằng cách khắc thêm rãnh từ 0,2 - 20 cm, vừa phục vụ mục đích trang trí, vừa gia tăng khả năng chống trơn trượt cho sản phẩm, đặc biệt phù hợp với mục đích làm ram dốc.

    Các kiểu khắc rãnh cơ bản gồm rãnh song song, ca rô, ô vuông, tròn, lục giác ... Do khắc từ máy CNC nên hình khắc hiện nay rất chủ động, có thể tạo hình theo bất cứ yêu cầu nào của khách hàng, chi phí gia công đá khắc rãnh dao động từ 100.000 - 150.000 đ/m2 tùy theo độ phức tạp của hình khắc.

     

    bề mặt đá sân vườn

     

    Hình 5. Các kiểu chế tác bề mặt đá sân vườn

     

    2.3. Phân loại theo quy cách

    2.3.1. Quy cách đá sân vườn phổ biến

    Quy cách đá sân vườn thường thể hiện trên kích thước và độ dày viên đá. Kích thước đá lát sân vườn phổ biến nhất hiện nay là 30 x 60 cm (Rộng x Dài), 30 x 30 cm và 60 x 60 cm. Độ dày phổ biến nhất là 2 cm (thực tế khoảng 1.8 cm) và 3 cm. Mỗi kích thước đá ốp lát đều ảnh hưởng đến độ bền sử dụng, khách hàng có thể tham khảo thêm bài viết Hướng dẫn chọn mua theo kích thước tại đây để lựa chọn đúng công năng. 

    2.3.2. Quy cách đá sân vườn không phổ biến

    Ngoài các kích thước phổ biến nêu trên, KTS thường đưa vào bản vẽ các kích thước 10 x 10, 15 x 30, 20 x 40 cm ... thậm chí ý tưởng thiết kế Mosaic còn phối hợp từ 3 đến 4 Size đá trên 1 mặt bằng hoàn thiện.

    Với những kích thước ít phổ biến, mua với số lượng không nhiều, người bán hàng thường phải cắt đá từ các kích thước có sẵn, tùy theo số lượng đường cắt (kích thước càng nhỏ thì số đường cắt trên 1 m2 càng nhiều) và phần biên đá hao tổn nhiều hay ít, đơn giá gia công sẽ dao động từ 50.000 - 200.000 đ/m2 so với kích thước chuẩn ban đầu.

    Ngoài quy cách hình vuông và hình chữ nhật, đá còn có thể được cắt thành dạng phiến tròn (đá thớt), hình lục giác đều hoặc kiểu đá ghép từ nhiều hình dạng ngẫu nhiên. Tuy nhiên, đây là các quy cách ít phổ biến, không phải lúc nào cũng có sẵn hàng mà phải đặt trước từ 7 - 10 ngày.

    3. Hướng dẫn chọn mua đá sân vườn

    3.1. Chọn mua đá sân vườn theo độ cứng

    Chọn đá gì để đảm bảo độ cứng là câu hỏi trangtrinoithatxinh.vn nhận được nhiều nhất trong quá trình tư vấn cho khách hàng chọn mua sản phẩm đá sân vườn. Theo Yilmaz và ctv, 2017 độ cứng của đá không phụ thuộc vào kích cỡ hạt tinh thể lớn hay nhỏ, mà phụ thuộc vào tỉ lệ Thạch anh so với các thành phần khác trong đá ít hay nhiều. Từ phân tích 5 thành phần khoáng chất nêu trên, có thể thấy tỉ lệ Thạch anh càng cao thì đá càng cứng và ngược lại, tỉ lệ Mica càng cao đá thì càng mềm. 

    Đối với bề mặt đá Granite, Thạch anh thường xuất hiện ở dạng hạt ẩn tinh trong suốt, để đánh giá có thể dùng phương pháp chia ô ngẫu nhiên. Bằng cách dùng bút khoanh 5 ô ở 5 vị trí trên bề mặt đá, mỗi ô có chiều 5 x 5 cm, đổ 1 ít nước lên bề mặt, đếm số hạt trong suốt và hạt có màu cùng xuất hiện trong ô, sau đó cộng tổng chia trung bình. Loại đá nào có số hạt trong suốt so hạt có màu càng cao, chứng tỏ thành phần Thạch anh càng nhiều và đá càng cứng. 

    Cách đếm ô nêu trên thường áp dụng trong các nghiên cứu sâu, thực tế trên thị trường, đặc biệt với sản phẩm đá sân vườn, khách hàng thường không có thời gian và điều kiện tiếp xúc với các mặt đá để quan sát tỉ mỉ như vậy. Tuy nhiên, điều đáng mừng là các loại đá Granite và Basalt chúng tôi đề cập đến trong phạm vi bài viết, đều hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu về độ cứng cho mục đích lát sân vườn hiện nay.

    Nếu nhất thiết phải chọn đá theo tiêu chuẩn độ cứng, thì khách hàng nên ưu tiên chọn đá Granite hơn đá Basalt. Trong đá Granite, sản phẩm có màu càng sẫm đen thì càng kém cứng, vì tỉ lệ Mica và Khoáng đen hiện diện nhiều hơn so với các loại đá nhạt màu khác. Trong đá Basalt, khối đá càng rỗng thì càng kém cứng, tuy nhiên nếu thích kiểu bề mặt nhiều lỗ rỗng của đá Tổ Ong, thì khách hàng nên chọn đá dày 3 cm cho công năng lát sân vườn.

    3.2. Chọn mua đá sân vườn theo màu sắc

    Ngoài độ cứng thì màu sắc đá cũng rất quan trọng, khách hàng thường có xu hướng chọn màu sẫm đen như Đen Phú Yên, Đen Da trăn, Đen Basalt ... để hạn chế nhược điểm dễ bám bẩn, khó vệ sinh của khu vực này, tuy nhiên cần lưu ý đá tự nhiên khi sử dụng làm sân vườn, do trời nắng nóng nên màu càng đậm khả năng bay màu càng cao. Nếu không chọn màu đen, khách hàng có thể chuyển sang nhóm màu trung tính là Xám hoa sơn, Tím hoa cà ... cũng có tác dụng hạn chế vết bẩn tương tự.

    Với những công trình công cộng, đá màu trắng như Trắng Bình Định, Trắng Suối lau, Trắng Phan Rang ... rất hay được KTS đưa vào thiết kế vì vẻ đẹp thanh thoát, ưu điểm ít phai màu. Nếu chọn màu sắc theo yếu tố phong thủy, thì các lựa chọn Xanh Thanh Hóa, Đỏ Bình Định, Vàng Bình Định, Hồng Phan Rang, Nâu Phước Hòa ... sẽ đáp ứng được nhu cầu đa dạng của quý khách.

    Tuy nhiên, để đảm bảo vẻ đẹp tổng thể của công trình, khách hàng cần lưu ý chọn màu đá phải hài hòa với thiết kế chung. Ví dụ toàn bộ thiết kế đang tuân theo gam màu trắng, xám, đen, thì chọn đá sân vườn cũng phải tôn trọng ý tưởng này, bất đắc dĩ có thể chuyển sang chọn đá Tím Khánh Hòa, chứ hoàn toàn không nên chọn đá vàng, đỏ hoặc xanh vì không phù hợp.

    mẫu đá sân vườn 1

    mẫu đá sân vườn 2

    Mẫu đá sân vườn

    Hình 6. Sản phẩm đá sân vườn phổ biến ở Việt Nam

     

    3.3. Chọn mua đá sân vườn theo kiểu bề mặt

    Khi mua đá sân vườn, khách hàng thường yêu cầu bề mặt càng nhám càng tốt, tuy nhiên khi đưa vào sử dụng, bề mặt nhám sẽ bộc lộ khá nhiều nhược điểm, trong đó lớn nhất là độ bám bẩn và khó vệ sinh. Một căn nhà có tuổi thọ hàng chục năm, thật khó chịu nếu bề mặt sân tích lũy dần vết bẩn loang lổ, biến màu do hóa chất, cà phê, trông khá mất thẩm mỹ. Vì vậy chọn kiểu bề mặt như thế nào, khách hàng cần cân nhắc theo vị trí sử dụng. 

    Nếu đá lót sân vườn, lót lối đi kết hợp với trồng cỏ và các loại cây cối khác, có thể dùng đá chẻ, loại dày từ 3 - 5 cm để tạo khe đất trồng cỏ, nếu đá mỏng 1,8 - 2 cm, cỏ sẽ không sống tốt vì thiếu chiều sâu bám rễ.

    Nếu đá lót đường xe chạy, nên chọn đá mặt khò dày 3 cm cho xe lớn, 2 cm cho xe nhỏ hoặc xe máy. Đá lót sân chơi có trẻ nhỏ thì chỉ nên dùng đá mặt băm hoặc phun cát, không nên dùng đá mặt khò vì có thể làm thương tổn cho trẻ.

    Đá lót sân gần khu vực nhà chính, nếu có mái che thì chỉ nên dùng đá mặt thô, vì ưu điểm dễ quét dễ lau, ít thấm các dung dịch sẫm màu.

    Đá lót ban công, lót hiên nhà nên dùng bề mặt mài mờ Honed, vì khu vực này thường đi chân không, trong khi đây là kiểu bề mặt rất dễ chịu, không gây cảm giác khô ráp với lòng bàn chân khi tiếp xúc.

    3.4. Chọn mua đá sân vườn theo giá cả

    Giá cả trên thị trường thực tế không hoàn toàn phản ánh đúng chất lượng đá. Giá cả đá sân vườn thường do các yếu tố trữ lượng nhiều hay ít, khai thác dễ hay khó, vận chuyển xa hay gần và chế tác đơn giản hay phức tạp quyết định. 

    Các loại đá như Tím Khánh Hòa, Trắng Phan Rang, Nâu Phước Hòa, Chẻ Đà Nẵng ... nếu khách hàng chọn bề mặt thô thì giá khá rẻ, thậm chí chỉ bằng nửa giá tiền một số dòng đá lát sân ép từ bột đá, mà theo chúng tôi chất lượng lại rất tốt, độ cứng đảm bảo, bông đá đẹp, màu sắc dễ sử dụng. Quý khách có thể tham khảo toàn bộ sản phẩm đá sân vườn và giá cả tại đây

    4. Kết luận

    Từ tất cả các thông tin trên có thể thấy, chọn mua đá sân vườn không đơn giản như mọi người vẫn nghĩ, khách hàng cần cân nhắc kỹ lưỡng mọi yếu tố mới có thể chọn được sản phẩm phù hợp với nhu cầu sử dụng của gia đình.

     

     

    Cẩm nang mua hàng:

    Phần 1 - Chọn mua bàn cầu tiết kiệm chi phí

    Phần 2 - Công thức chọn mua gạch ốp lát kích thước phù hợp 

    Phần 3 - Hướng dẫn chọn mua máy nước nóng Năng lượng mặt trời

    Phần 4 - Hướng dẫn chọn mua đá sân vườn

    Phần 5 - Hướng dẫn chọn mua sơn nước

    Phần 6 - Hướng dẫn chọn mua đèn chiếu sáng

    Phần 7 - Hướng dẫn chọn mua ngói đất nung

    Xem thêm:

    Tại sao nhiều mẫu vòi nước cao cấp lại có giá bán rất rẻ trên thị trường?

    Làm sao để phân biệt gạch men và đá khi mua hàng?

    Làm thế nào để đánh giá chất lượng gạch men bằng mắt thường?

    Gạch bông là gì, nên sử dụng ở đâu là đẹp?

    So sánh ngói đất nung và ngói bê tông màu

    Cẩm nang hướng dẫn trang trí nhà đẹp:

    Phần 1. Phong cách hiện đại

    Phần 2. Phong cách cổ điển

    Phần 3. Phong cách trung hòa

    Phần 4. Phong cách đương đại

    Phần 5. Phong cách công nghiệp

     

    ĐÁNH GIÁ SAO

    5
    1
    0 Đánh giá
    2
    0 Đánh giá
    3
    0 Đánh giá
    4
    0 Đánh giá
    5
    2 Đánh giá

    BÌNH LUẬN

    Cửa, Ổ khóa, Phụ kiện
    0909313249