Cẩm nang mua hàng – Phần 6. Hướng dẫn chọn mua Đèn chiếu sáng

( 31-08-2022 - 09:42 AM ) - Lượt xem: 1764

    Ánh sáng là yếu tố gắn liền với đời sống con người, trực tiếp ảnh hưởng đến nhịp sinh học, chi phối cảm xúc, tâm trạng và hiệu quả làm việc. Bố trí ánh sáng và sử dụng các loại đèn có vai trò rất quan trọng trong trang trí nội thất. Ngoài khả năng cung cấp ánh sáng lung linh, tạo không khí ấm áp, thư giãn, thì kiểu dáng, màu sắc và kích thước đèn còn phối hợp với các vật dụng khác, tạo vẻ đẹp tổng thể cho căn nhà.

    Nên chọn đèn kích thước và kiểu dáng như thế nào, bố trí ở đâu, số lượng bao nhiêu thì hợp lý là câu hỏi rất khó, ngay cả với những người được đào tạo bài bản. Từ kinh nghiệm bán đèn trang trí lâu năm, kết hợp ý kiến chuyên gia và các nguồn tài liệu tham khảo tin cậy. Trangtrinoithatxinh.vn sẽ tổng hợp các nội dung tư vấn liên quan đến vấn đề chọn mua đèn chiếu sáng, trong bài viết sau:  

     

    TIEU DE

     

    1. Chọn mua đèn theo chủng loại 

    Trong lĩnh vực chiếu sáng, có 3 loại đèn cơ bản với các ưu nhược điểm như sau:

    1.1. Đèn dây tóc

    Đèn dây tóc là loại bóng điện đầu tiên, ra đời cách đây hơn 100 năm. Đèn có dạng ống thủy tinh tròn (Bulb), bên trong chứa khí trơ Argon, ở giữa là dây tóc được làm bằng sợi Vonfram nối 2 điện cực. Khi có dòng điện chạy qua và bị đốt nóng lên trên 2.000 độ Cdây tóc sẽ cháy và phát ra ánh sáng vàng.

    Do đốt ở nhiệt độ cao, nên nhược điểm của đèn dây tóc là hoạt động không hiệu quả, chỉ 10% lượng điện tiêu thụ chuyển thành ánh sáng, 90% còn lại sẽ tạo thành nhiệt phân tán ra môi trường. Đèn dây tóc luôn đòi hỏi công suất cao, từ 40 - 100 watts nên rất tốn điện. Tuổi thọ của đèn thấp, dây tóc thường bị đứt sau 1 năm sử dụng ở điều kiện thông thường của hộ gia đình. 

    Ưu điểm của đèn dây tóc là giá thành rẻ, tính chất gần giống ánh sáng tự nhiên nên tốt nhất cho hoạt động thị giác của con người. Ở các vùng khí hậu lạnh, lượng nhiệt phát ra từ đèn dây tóc có khả năng sưởi ấm không khí, hiệu quả hơn so với hình thức sử dụng lò sưởi đốt bằng gas hoặc dầu.

    1.2. Đèn huỳnh quang

    Đèn huỳnh quang xuất hiện vào những năm 1940. Có dạng ống thủy tinh dài (Tube), mặt trong tráng 1 lớp Phospho trắng, kích thước tiêu chuẩn là 0.25 x 1.2 m. Hai đầu ống là 2 điện cực, không có dây nối ở giữa, môi trường bên trong chứa một ít thủy ngân.

    Khi dòng diện chạy qua, thủy ngân sẽ hấp thụ năng lượng điện và phát ra tia sáng cực tím UV (Ultra Violet) không nhìn thấy được. Tia UV chiếu vào lớp Phospho và làm ống thủy tinh phát sáng màu trắng hơi xanh. 

    Do không bị đốt nóng, nên độ bền của đèn huỳnh quang cao gấp 10 lần so với đèn dây tóc. Hoạt động phát sáng của đèn huỳnh quang có hiệu suất cao gấp 5 lần so với đèn dây tóc. Đèn huỳnh quang 20 Watts phát lượng ánh sáng (Lumens) tương đương đèn dây tóc 100 Watts, nên tiết kiệm điện hơn.

    Nhược điểm của đèn huỳnh quang là giá bán cao hơn đèn dây tóc, ánh sáng bước sóng dài ít phù hợp với hoạt động của thị giác, nên được chọn lắp cho khu vực văn phòng, nhà xưởng hơn là sử dụng trong hộ gia đình. Sau khi mở nguồn, đèn không phát sáng ngay mà có độ trễ nhất định, đèn bị nhấp nháy khi sử dụng công tắc tăng giảm ánh sáng (Dimmer). Khi đèn vỡ, thủy ngân sẽ phóng thích, gây độc cho hệ thần kinh nếu xâm nhập vào cơ thể người.

    1.3. Đèn Led

    Đèn Led (Light Emitting Diodes) xuất hiện từ những năm 1920, ban đầu chỉ có ánh sáng đỏ, ứng dụng trong đèn bảng điều khiển xe hơi, đèn điểu khiển Remote ... Thời gian gần đây công nghệ đèn Led mới thực sự phát triển, có nhiều cải tiến về dải màu và cường độ phát sáng, trở thành nguồn sáng phù hợp với hoạt động thị giác của con người.

    Đèn Led hoạt động theo hình thức phát quang lưỡng cực. Đèn có dạng ô nhỏ hình vuông hoặc tròn (cell), bên trong là lõi Led (Chip Led) gồm hai cực cấu tạo từ chất bán dẫn, cấu hình khác nhau gọi là cực n và cực p. Cực n gồm các phân tử có xu hướng dễ bị kích thích, giải phóng electron là hạt mang điện tích âm. Cực p gồm các phân tử dễ bị mất electron, tạo thành các hạt mang điện tích dương. 

    Khi có nguồn điện, các hạt mang điện nhận năng lượng từ điện năng, trở nên hoạt động và tách ra khỏi bề mặt chất bán dẫn. Electron điện tích âm di chuyển về cực p, phân tử điện tích dương di chuyển về cực n. Tại khu vực gặp nhau giữa 2 cực, electron sẽ kết hợp với phân tử thiếu hụt electron, tạo thành phân tử trung hòa mang năng lượng ở mức thấp. Phần năng lượng giải phóng từ phản ứng kết hợp sẽ kích thích hạt Photon phát sáng, đây là loại hạt cơ bản, có sẵn trong môi trường điện từĐể ánh sáng từ Photon trở nên hữu ích, Chip Led phải được đóng gói trong môi trường có tính dẫn sáng cao. Hợp chất thường sử dụng là các loại nhựa trong suốt, chất lượng đóng gói càng tốt, khả năng phát sáng của đèn Led càng cao. 

    Các loại chất bán dẫn khác nhau, sẽ tạo ra các ánh sáng có màu sắc khác nhau. Bằng cách pha trộn thành phần chất bán dẫn, nhà sản xuất có thể chủ động tạo ra các màu ánh sáng trung gian giữa các màu cơ bản ban đầu. Đây là tính chất rất đặc biệt, khiến đèn Led có ưu điểm vô cùng đa dạng về màu sắc. Ngoài ra, đèn Led rất nhẹ, không bể vỡ, tiêu thụ ít điện năng và tuổi thọ rất cao.

    Nhược điểm của đèn Led là giá thành cao, đây là lý do khiến các hệ thống nhà xưởng thường sử dụng đèn huỳnh quang thay cho đèn Led vì chi phí đầu tư lớn. Do dây dẫn rất mảnh, nên đèn Led dễ bị cháy nếu điện áp chập chờn, tăng giảm đột ngột. 

    >> Xem thêm: Hướng dẫn lắp ráp đèn trang trí

    2. Chọn mua đèn theo thông số kỹ thuật

    Khi chọn mua đèn, khách hàng cần đánh giá chất lượng sản phẩm dựa trên các thông số kỹ thuật sau:

    2.1. Lượng phát sáng (Lumens)

    Lumens là đơn vị quang thông, dùng để đo lượng ánh sáng phát ra môi trường xung quanh của nguồn sáng. Đèn có chỉ số Lumens càng lớn, thì khu vực nhận được lượng ánh sáng càng nhiều.

    Tùy vào hoạt động sinh hoạt hàng ngày, mỗi căn phòng có diện tích, màu sơn tường khác nhau sẽ cần một lượng Lumens khác nhau. Khi bố trí ánh sáng, cần phải tính số lượng đèn đảm bảo tổng Lumens vừa đủ. Nếu quá thiếu sẽ gây hại cho thị giác, khó khăn trong các hoạt động hàng ngày, nếu quá thừa sẽ gây lãng phí điện năng. Khi sống trong môi trường ánh sáng mạnh, hệ thần kinh liên tục bị kích thích, tạo cảm giác căng thẳng, mệt mỏi kéo dài.

    Để tính lượng ánh sáng cần thiết cho mỗi khu vực, có thể sử dụng công thức tính của CharlstonLight. Sau khi nhập loại phòng, chiều dài, chiều rộng, chiều cao (chọn đơn vị tính là metters), chọn cường độ chiếu sáng mong muốn (nhẹ, trung bình hoặc cao), chọn màu tường (nhạt hay đậm), chọn vị trí lắp đèn dự kiến (trung tâm hay các góc), kết quả sẽ chỉ ra tổng Lumens cần thiết, có quy đổi ra watts cho trường hợp đèn Led của chính hãng này. Đây là thông tin rất quan trọng khi chọn mua đèn, vì từ tổng lượng Lumens, có thể tìm được loại đèn phù hợp và số bóng đèn cần thiết cho khu vực.

    Ví dụ, khi nhập thông tin phòng ngủ, chiều dài 4 m, chiều rộng 3 m, chiều cao 3 m, chọn cường độ chiếu sáng trung bình, màu tường nhạt và đèn lắp ở các góc. Kết quả tính được 2.160 Lumens và 16 watts, tương đương với 4 đèn Led âm trần loại 4 watt của CharlstonLight, bố trí ở 4 góc phòng. 

    Cần lưu ý, mặc dù cùng công suất Watts, nhưng các loại đèn chất lượng khác nhau sẽ có mức độ phát sáng khác nhau. Vì vậy sử dụng Lumens để tính số lượng bóng đèn cần thiết, sẽ có tính chính xác cao hơn so với dùng Watts. Trong trường hợp chỉ số Lumens không được nhà sản xuất công bố trên bao bì sản phẩm, có thể tạm quy đổi 1 Watts tương đương 100 Lumens. Mức quy đổi trung bình này thấp hơn so với đèn CharlstonLight, 1 Watts bằng 135 Lumens, vì thực tế một số sản phẩm đèn Led chất lượng kém trên thị trường, 1 Watts chỉ bằng 70 Lumens.

    2.2. Điện năng tiêu thụ (Watts)

    Watts là đơn vị công suất, dùng để đo lượng điện cần sử dụng để tạo ra 1 đơn vị ánh sáng. Khả năng phát sáng phụ thuộc vào kiểu đèn nhiều hơn là lượng điện năng tiêu thụ. Ví dụ, với lượng phát từ 450 - 500 Lumens, đèn dây tóc cần sử dụng lượng điện 40 w/h, đèn huỳnh quang cần 9 w/h, đèn Led cần 8 w/h. 

    Như vậy khi chọn mua đèn, cùng một lượng phát sáng Lumens như nhau, đèn có chỉ số Watts càng thấp càng nên mua, vì chi phí điện năng sẽ thấp hơn.

    2.3. Thời gian chiếu sáng (Life hours)

    Thời gian chiếu sáng biểu thị tuổi thọ của đèn. Ví dụ, đèn dây tóc 40 w có thời gian chiếu sáng trung bình là 1.000 giờ, đèn Led là 25.000 giờ và đèn huỳnh quang là 8.000 giờ.

    Như vậy, đèn có thời gian chiếu sáng càng cao thì càng nên mua

    2.4. Chỉ xuất màu (CRI)

    Chỉ xuất màu mô tả hiệu quả tác động của nguồn ánh sáng lên khả năng hiển thị chính xác màu vật thể. CRI của ánh sáng tự nhiên thay đổi từ 1 – 100. Ánh sáng nhân tạo có CRI từ 70 – 89 được đánh giá là ở mức tốt, và 90 – 100 là mức tốt nhất.

    Đèn có chỉ số CRI càng cao thì càng nên mua, vì nguồn sáng có CRI cao sẽ tạo không gian trong suốt, hình ảnh rõ ràng. Mang lại cảm giác thân thiện cho người sử dụng, tốt cho hoạt động thị giác vì phản ánh đúng màu sắc như trong môi trường tự nhiên.

    Đèn dây tóc có chỉ số màu cao nhất là 100, vì môi trường truyền sáng trong suốt, không có vật cản. Các lõi (chip) Led có CRI nằm trong khoảng 80 – 90, phù hợp để sử dụng làm nguồn sáng sinh hoạt. Tuy nhiên, phụ thuộc vào chất lượng đóng gói đèn Led sử dụng lõi Chip, CRI từ lõi Led khi truyền qua môi trường đèn Led sẽ bị suy giảm. Chất lượng đèn Led Chip càng thấp thì mức suy giảm càng cao, thậm chí một số sản phẩm chỉ còn 60 – 70 so với ban đầu.

    Để cải thiện CRI, nhà sản xuất đã tạo ra sản phẩm đèn Led Bulb, tạo môi trường trong suốt giống đèn dây tóc để ánh sáng truyền qua với CRI cao nhất. Trong nhiều bộ đèn chùm hiện nay, nhà sản xuất đã chủ động tạo 2 nguồn sáng trên cùng 1 bộ đèn. Vừa có ánh sáng từ Led Chip, vừa có ánh sáng Led Bulb, nhằm đạt hiệu quả chiếu sáng ở mức tốt nhất. Nếu lựa chọn, nên ưu tiên đèn có cùng lúc 2 kiểu chiếu sáng này.

    Khi chọn mua đèn chiếu sáng trong nhà, ngoài hệ đèn Led âm trần, khách hàng nên phối hợp thêm các chùm đèn sử dụng bóng Led Bulb, để tạo nguồn sáng tự nhiên, thân thiện với thị giác. Đặc biệt, các loại đèn sử dụng ở khu vực trưng bày, triển lãm, rọi tranh, trang điểm, chụp ảnh ... nên lựa chọn sản phẩm có chỉ số CRI càng cao càng tốt, nhằm đảm bảo khả năng hiển thị màu trung thực, chính xác nhất.

    2.5. Hiệu suất (Lumen per watt)

    Hiệu suất được đo lường dựa trên tổng lượng ánh sáng phát ra (Lumens) so với tổng lượng điện năng tiêu thụ (Watts).

    Đèn có hiệu suất càng cao, lượng điện năng tiêu thụ sẽ càng thấp. Khi chọn mua đèn, nếu thông tin này không được công bố, khách hàng có thể dựa trên thông số trên bao bì để tính hiệu suất đèn. Bằng cách lấy số Lumens chia cho số Watt. Ví dụ, đèn thứ nhất có 500 Lumens, đèn thứ hai có 400 Lumens, cùng công suất 40 Watts. Như vậy, nên chọn mua đèn thứ nhất với hiệu suất là 12.5 lm/w, cao hơn so với đèn thứ 2 hiệu suất là 10 lm/w. 

    2.6. Nhiệt độ màu (Color Temperature)

    Nhiệt độ màu thể hiện sắc thái (màu sắc và trạng thái) của ánh sáng nhìn thấy được, tính theo độ Kelvin. Có 4 mức nhiệt độ màu phổ biến như sau:

    - Mức 2.700 - 3.000 K: Ánh sáng có màu vàng, trạng thái ấm, độ tương phản ở mức dịu nhẹ. Thích hợp với không gian ấm cúng, lãng mạn như phòng ăn, phòng ngủ

    - Mức 3.000 - 4.000 K: Ánh sáng có màu vàng ngả sang trắng, trạng thái trung tính, độ tương phản ở mức trung bình. Thích hợp với không gian thân thiện, gần gũi như phòng khách, phòng bếp

    - Mức 4.000 - 5.000 K: Ánh sáng có màu trắng hơi ngả xanh, trạng thái lạnh, độ tương phản ở mức cao. Thích hợp với không gian sáng sủa, hoạt động nhiều như phòng khách, phòng giặt, hành lang.

    - Mức 5.000 - 6.000 K: Ánh sáng trắng, trạng thái rực rỡ, độ tương phản ở mức rất cao. Thích hợp với không gian náo động, dồi dào năng lượng như văn phòng, quầy giao dịch, khu vực đại sảnh.

    3. Chọn mua đèn theo chức năng chiếu sáng

    Một không gian thường được bố trí 3 hệ chiếu sáng độc lập, không nên chỉ sử dụng 1 kiểu chiếu sáng cho toàn bộ, như vậy là lãng phí năng lượng và không phục vụ đúng nhu cầu sử dụng của con người. Mỗi hệ chiếu sáng cần chọn các loại đèn có chức năng phù hợp như sau:

    3.1. Chiếu sáng tổng thể

    Chiếu sáng tổng thể là hệ thống đèn cung cấp toàn bộ ánh sáng cho không gian. Nguồn ánh sáng này quan trọng nhất, bắt buộc phải có trong mỗi căn phòng. Đặc điểm là màu ánh sáng phải đồng nhất, rọi sáng xuyên suốt, độc lập với các nguồn chiếu sáng khác.

    Do đây là ánh sáng cơ bản, mục đích giúp mắt người quan sát tổng thể mọi vật thể, nên ưu tiên chọn mua đèn có ánh sáng trắng, cường độ chiếu sáng trung bình. 

    Chọn đèn chiếu sáng tổng thể thường sử dụng các loại đèn mâm Panel, đèn Led âm trần, hoặc đèn huỳnh quang dạng thanh dài. Khi lắp đèn, không nên chiếu sáng tập trung, cần chia thành nhiều đèn nhỏ, bố trí ánh sáng tỏa đều, đảm bảo không có các khu vực chênh lệch sáng tối trong phòng.

     

    đèn chiếu sáng tổng thể

     

    3.2. Chiếu sáng phân vùng

    Chiếu sáng phân vùng được thiết kế để cung cấp ánh sáng cho các khu vực cụ thể, dùng cho các hoạt động cần lượng ánh sáng lớn, nhưng diễn ra không thường xuyên. 

    Mục đích của chiếu sáng phân vùng là giúp mắt người quan sát chi tiết vật thể, nên việc cấp đủ ánh sáng là rất quan trọng. Ví dụ, đèn khu vực đọc sách cần tối thiểu là 400 Lument, đèn bàn ăn cần 1.200 Lumens. 

    Chọn đèn chiếu sáng phân vùng phổ biến nhất là các dạng đèn chùm, đèn thả dây, đèn chân đứng, đèn vách ... với đặc điểm chung là ánh sáng có tính định hướng.

     

    chiếu sáng phân vùng

     

    3.3. Chiếu sáng điểm

    Chiếu sáng điểm là hệ thống đèn bố trí tại các điểm đích, có vai trò làm nổi bật vật thể hơn là cung cấp ánh sáng trong quan sát. 

    Chiếu sáng điểm không phải là nguồn sáng cơ bản, bắt buộc phải có trong thiết kế. Tuy nhiên, chiếu sáng điểm ngày càng có vai trò rất quan trọng trong trang trí nội thất. Lượng điện tiêu thụ của hệ thống chiếu sáng này ở mức thấp, bằng cách sử dụng phối kết hợp, khách hàng có thể tạo được không gian ánh sáng dịu nhẹ, đồng thời có tính mỹ thuật rất cao

    Chọn đèn chiếu sáng điểm thường là các loại đèn rọi, đèn pha có tính hướng sáng, hoặc các loại đèn Led thanh, Led dây ... tạo hình khối theo các đường viền. 

     

    chiếu sáng vị trí

     

    4. Chọn mua đèn theo kiểu dáng thiết kế

    Trên thị trường, tùy theo kiểu dáng, đèn được phân chia thành các dạng cơ bản như sau:

    4.1. Đèn chùm

    Đèn chùm thường có dạng tháp nón, phần trên nhỏ, phần đáy phình rộng đều. Đặc điểm chung của đèn chùm là có trục thân chính ở giữa, nhiều tay đèn tỏa tròn xung quanh, mỗi tay sẽ có đui gắn với bóng đèn. Tay đèn có thể được phân thành 1 hay nhiều tầng, số tầng nhiều thì số đèn càng lớn, lượng ánh sáng phát ra xung quanh càng mạnh. 

     

    đèn chùm

     

    Tùy theo kiểu thiết kế, đèn chùm được chia làm nhiều dạng. Kiểu đèn chùm cổ điển (xem sản phẩm và giá cả Tại đây) thường sử dụng họa tiết đường cong, hoa văn cầu kỳ. Vật liệu lấp lánh, có khả năng bắt sáng mạnh như thủy tinh trong suốt, pha lê, hạt màu đa điện. Màu sắc phổ biến là vàng, đồng, bạc ánh kim, mang lại vẻ đẹp sang trọng, quý phái, phù hợp với các căn nhà trang trí theo phong cách cổ điển 

     

    đèn chùm cổ điển

     

    Đèn chùm tân cổ điển (xem sản phẩm và giá cả Tại đây) có thiết kế tiết giảm chi tiết, vật liệu ít bóng sáng hơn so với đèn cổ điển, sử dụng họa tiết đường cong nên vẫn đảm bảo vẻ duyên dáng, phù hợp với các căn phòng trang trí theo phong cách tân cổ điển

     

    đèn chùm hiện đại

     

    Kiểu đèn chùm hiện đại (xem sản phẩm và giá cả Tại đâyđược thiết kế đơn giản, sử dụng các họa tiết trơn thẳng. Vật liệu phổ biết là thủy tinh mờ, kim loại, nhựa Arcrylic, nhôm. Màu sắc phổ biến là đồng cổ, màu đen, inox, trắng. Đèn chùm hiện đại mang lại vẻ đẹp mạnh mẽ, cá tính, thích hợp với các căn nhà trang trí theo phong cách hiện đại và phong cách đương đại

     

    đèn chùm hiện đại

     

     

    Như vậy, trước khi chọn mua đèn chùm, khách hàng phải tham khảo các phong cách trang trí nêu trên, xem nhà mình thuộc phong cách nào để chọn được kiểu đèn phù hợp nhất. Ngoài ra đèn chùm khá dài, thân đèn tối thiểu 0.6 m, nên khu vực gắn đèn phải có trần cao tối thiểu 2.7 m. 

    Nhược điểm của đèn chùm là ánh sáng Led Bulb chỉ hướng một phía nên khu vực còn lại khá tốiĐể khắc phục, hiện nay đã có kiểu đèn chùm tạo hình bằng hạt pha lê kết khối, ánh sáng từ nguồn Led Chip gắn phía trong, tán xạ qua chùm pha lê nên rất sáng. Kiểu đèn này rất sang trọng, giá thành khá cao, thích hợp với kiểu trang trí xa hoa, lộng lẫy như đại sảnh khách sạn, không gian tiệc cưới ... Khi chọn mua đèn chùm pha lê, cần quan sát số lượng và mật độ hạt gắn trên đèn. Cùng kích thước, nhưng đèn càng nhiều hạt, mật độ hạt gắn càng kín khít thì ánh sáng phản xạ càng nhiều, giá trị sản phẩm càng cao (xem sản phẩm và giá cả Tại đây).

     

    đèn chùm pha lê

     

     

    Đèn chùm có tính chất trang trọng, vị trí thích hợp là đại sảnh, phòng khách. Không nên treo đèn chùm ở phòng ngủ vì trông sẽ quá uy nghiêm. Đèn chùm chỉ nên sử dụng như đèn chiếu sáng khu vực, ví dụ chiếu sáng bàn trà, bàn phòng ăn. Để đầy đủ ánh sáng, bên cạnh đèn chùm cần phải có thêm hệ đèn cung cấp ánh sáng tổng thể cho căn phòng.

    4.2. Đèn mâm 

    Đèn mâm được thiết kế ốp sát trần, hình tháp nón ngược với đèn chùm, phía trên phình rộng, phía dưới thu nhỏ dần. Các bóng đèn gắn trên mặt mâm inox, ánh sáng chiếu thẳng xuống sàn nhà, vì vậy góc chiếu sáng rộng hơn so với đèn chùm (xem sản phẩm và giá cả Tại đây).

     

    đèn mâm

     

    Đèn mâm có các hình dạng phổ biến là tròn, vuông, chữ nhật, chất liệu pha lê, hạt màu, hoặc Acrylic có tính dẫn sáng cao. Nguồn ánh sáng đèn mâm là từ đèn Led chip, tổng lượng phát sáng Lumens thường cao hơn so với đèn chùm. Đa số sản phẩm đèn mâm hiện nay đều có 3 chế độ chiếu sáng vàng, trung tính và trắng nên rất thuận tiện trong sử dụng. Nếu sản phẩm có Remote thì có thể điều chỉnh tăng giảm cường độ chiếu sáng, mà không cần phải lắp thêm công tắc Dimmer.

     

    đèn mâm acrylic

     

    Chiều cao trung bình của đèn mâm nằm ở mức 30 cm, được lắp áp sát trần nên rất phù hợp với các khu vực trần thấp, như nhà chung cư, hành lang, wc. Ngoài ra, đèn mâm còn được lắp ở khu vực hàng ba, ban công ... nơi thường chịu tác động của gió lớn.

    Do tổng lượng chiếu sáng lớn, đèn mâm có thể sử dụng như là nguồn cấp ánh sáng tổng thể cho các căn phòng diện tích nhỏ như phòng ngủ, phòng wc, phòng ăn.

    4.3. Đèn thả 

    Đèn thả là một dạng biến thể của đèn chùm, điểm khác biệt cơ bản là đèn được treo trực tiếp vào dây thả, không gắn cố định lên khung, vì vậy có thể điều chỉnh vị trí và hướng chiếu sáng khá linh hoạt.

    Kiểu dáng đèn thả rất phong phú, tùy theo số lượng bóng có thể phân thành đèn thả đơn lẻthả bộ 3, bộ 5 ..., đèn thả phân tầng, đèn thả chùm nhiều bóng tỏa tròn, hoặc đèn thả chuỗi

     

    đèn thả phân tầng

     

    Khi ngồi dưới chùm đèn, cần lưu ý không để ánh đèn chiếu thẳng vào mặt gây chói mắt, vì vậy đèn không treo quá thấp ngay tầm mắt nhìn. 

     

    Đèn thả bộ

     

    Trong nhiều trường hợp, dây thả đèn có thể được thay bằng ống tròn, thanh cứng, kết hợp với bóng tròn không chao. Kiểu đèn này rất thích hợp với phong cách trang trí công nghiệp, tạo vẻ sơ sài, thô cứng. Vẻ nam tính đặc biệt phù hợp của phòng con trai, không gian Star up, quán cà phê rang xay, thức ăn nhanh ...

     

    đèn thả chùm thô sơ

     

    Mục đích của đèn thả là cấp ánh sáng phân vùng, nên thường được lắp ở vị trí bàn ăn và quầy Bar. Trong thiết kế hiện đại, đèn thả còn được lắp ở vị trí góc phòng đầu giường ngủ. Vừa tận dụng được góc chết, vừa có tính chất trang trí, lại là nguồn cấp ánh sáng cho hoạt động đọc sách ban đêm rất tiện lợi. 

     

    đèn thả góc

     

    4.4. Đèn vách

    Đèn vách dùng để ốp vào vách tường, cung cấp ánh sáng cho lối đi, khu vực sân, phòng ngủ, wc, cầu thang. 

    Khi chọn đèn vách, cần ưu tiên tính đồng bộ so với đèn trần. Ví dụ, đèn trần kiểu cổ điển thì không nên chọn đèn vách kiểu hiện đại, vì kiểu dáng quá đối lập nhau.

    Vị trí lắp đèn vách tối thiểu là 1.8 m từ mặt đất, để hạn chế trường hợp ánh sáng hắt trực tiếp vào mắt người. Đèn vách thường được bố trí theo cặp, vừa mang tính chất đối xứng trong trang trí, vừa đảm bảo đủ ánh sáng cho hoạt động quan sát.

    Vì lượng ánh sáng phát ra từ đèn vách tương đối thấp, khi chọn đèn không nên chọn loại chao màu đục hoặc quá dày, cũng không chọn chao trong suốt vì sẽ làm chói mắt. Ưu tiên chọn kiểu đèn có ánh sáng hắt đều nhiều phía hoặc 2 phía trên dưới, thay vì chỉ hắt 1 phía ngược lên trên.

     

    đèn vách

     

    4.5. Đèn quạt kết hợp

    Đèn quạt là thiết kế khá mới, kết hợp giữa quạt trần và đèn trang trí, giải pháp 2 trong 1 giúp tiết kiệm không gian (xem sản phẩm và giá cả Tại đây). Các thông số cần quan tâm ở phần quạt là tốc độ gió và sải cánh, ở phần đèn là số bóng, chất liệu dẫn sáng là thủy tinh, pha lê, hay Acrylic. Quạt đèn có 2 loại, loại quạt bình thường thêm phần đèn hỗ trợ phía dưới và loại đèn trang trí thêm phần cánh xếp kín giấu vào phía trên.

    Về loại quạt thêm đèn, sản phẩm được thiết kế theo chức năng quạt là chủ yếu. Cánh quạt có thể bằng gỗ (plywood), nhôm hoặc nhựa giả gỗ. Ưu điểm của cánh nhựa giả gỗ là trọng lượng nhẹ, giá thành rẻ, không đòi hỏi động cơ công suất lớn nên khá tiết kiệm điện. Nhược điểm là cánh mỏng nên chỉ hoạt động ở tốc độ trung bình, lượng gió chỉ đủ mát cho khu vực khoảng 15 m2, độ cao trần khoảng 3 m.

    Quạt cánh gỗ thật hoặc nhôm thường là sản phẩm cao cấp, đòi hỏi động cơ vận hành ở công suất cao. Ưu điểm là quạt hoạt động bền bỉ, quạt có thể thả từ trần cao 5 m, lượng gió đủ cho diện tích từ 25 m2.

     

    quạt đèn

     

    Đối với quạt giấu cánh, sản phẩm được thiết kế thiên về đèn trang trí hơn là chức năng quạt. Phần đèn thường rất đẹp, ánh sáng mạnh. Phần cánh nhỏ, ẩn trong thân quạt hoặc giấu phía sau, khi chọn chế độ bằng Remote cánh sẽ bung ra thực hiện chức năng quạt. Do cánh xếp bằng nhựa trong suốt, nên hoạt động tạo gió khá yếu, thích hợp với dạng trần thấp, không gian nhỏ như phòng ngủ, căn hộ chung cư. 

     

    quạt giấu cánh

     

    Như vậy, tùy thuộc vào không gian, mục đích sử dụng, khách hàng sẽ cân nhắc lựa chọn các sản phẩm quạt đèn có chức năng phù hợp với nhu cầu của mình. 

    5. Chọn mua đèn theo kích thước không gian

    Khi chọn mua đèn, cần lưu ý về vấn đề kích thước. Đèn quá lớn hay quá nhỏ đều ảnh hưởng xấu đến bố cục không gian. Ví dụ, 1 đèn treo quá dài cho khu vực trần thấp, sẽ làm căn phòng trông càng thấp hơn, hoặc một đèn mâm quá nhỏ với khung trần rộng, sẽ làm đèn mâm trông càng nhỏ hơn thực tế. 

    5.1. Theo kích thước căn phòng

    Để chọn đúng kích thước đèn theo không gian căn phòng, có thể áp dụng quy trình 4 bước như sau:

    Bước 1: Tính kích thước phòng

    Đo chiều dài và chiều rộng căn phòng (nếu không có thước thì đếm viên gạch lát nền để nhân số lượng với kích thước viên gạch). Ví dụ: Phòng tính được chiều rộng bằng 3 m, chiều dài bằng 4 m.

    Bước 2: Cộng tổng 2 kết quả chiều dài và chiều rộng đã đo 

    Lấy chiều rộng cộng chiều dài: 3 + 4 = 7 m

    Bước 3: Tính kích thước đèn phù hợp

    Lấy (Tổng: 3) x 2.54 (công thức quy đổi từ Feet và inches). Kết quả sẽ chính là kích thước đèn nên mua tính theo cm. Từ ví dụ trên có thể tính được: 7 : 3 x 2.54 = 59.2 cm

    Như vậy, căn phòng 3 x 4 m, thì nên chọn đèn có kích thước 60 cm

    Bước 4: Tính chiều cao đèn

    Đo chiều cao phòng theo mét, lấy kết quả x 2.54. Ví dụ, phòng cao 2.7 m, thì chiều cao đèn tối đa sẽ là: 2.7 x 2.54 = 68.5 cm

    5.2. Theo kích thước mặt bàn

    Trước tiên cần tính số lượng đèn căn cứ trên hình dạng bàn. Nếu bàn hình tròn hoặc hình vuông, nên treo đèn thành cụm ở vị trí trung tâm.

     

    đèn bàn vuông

     

    Tùy theo kích thước mặt bàn lớn hay nhỏ, có thể sử dụng nhiều bóng đèn cùng lúc để tăng lượng ánh sáng, nhưng các bóng phải tập trung thành chùm, kích thước không nhỏ hơn 1/3 đường kính mặt bàn. Ví dụ, bàn tròn 80 cm, thì nên chọn 1 chùm đèn có đường kính khoảng 30 cm là phù hợp. 

     

    đèn bàn tròn

     

    Với bàn hình chữ nhật hoặc hình bầu dục, nên treo đèn phân tán thành chuỗi dài, để đảm bảo đủ ánh sáng. Từ mỗi cạnh bàn, đèn được treo thụt vào khoảng 30 cm, sau đó chia đều cho số đèn. Ví dụ, bàn dài 1,4 m và cần lắp 4 đèn, mỗi bên thụt vào 30 cm là còn 80 cm cho khoảng giữa, như vậy mỗi đèn sẽ treo cách nhau 20 cm. 

     

    den ban chu nhat

     

    Chiều cao của đèn từ mặt bàn cũng rất quan trọng, treo quá cao thì không đủ ánh sáng, treo thấp thì sẽ che khuất tầm nhìn. Khoảng cách tối thích từ mặt bàn lên đến đáy đèn là 80 – 120 cm, từ khoảng cách này có thể tính được chiều dài của đèn. 

     

    đèn treo phân tán

     

    6. Chọn mua đèn theo vị trí treo đèn

    6.1. Chọn đèn phòng khách

    Phòng khách là khu vực trung tâm của căn nhà, nơi mọi người thường xuyên tập trung, thực hiện các hoạt động trò chuyện, sinh hoạt chung, xem ti vi, chơi game ... Lượng ánh sáng tổng thể cần cho phòng khách từ 1.500 – 3.000 Lumens, ánh sáng tối thiểu cho từng khu vực là 400 Lumens.

     

     

    đèn phòng khách

     

     

    Bên cạnh hệ đèn Led trần chiếu sáng tổng thể, phòng khách luôn cần thêm đèn trang trí chiếu sáng tỏa tròn đều, treo trên khu vực bàn Sofa để thêm phần trang trọng, tạo điểm nhấn cho căn phòng. 

     

    đèn phòng khách

     

    Do ở vị trí trung tâm, nên đèn chùm cho phòng khách không được quá nhỏ. Cần chọn kiểu đèn thích hợp với không gian xung quanh, đồng bộ với thiết kế của trần thạch cao.

     

    đèn phòng khách

     

    Nếu phòng khách thuộc kiểu trần cao có gác lửng, thì đèn chùm không được thả xuống quá thấp, đáy dưới của đèn phải cao hơn mặt sàn lửng khoảng 1.5 m. 

     

    đèn phòng khách

     

    Có thể tận dụng góc phòng, khu vực không sử dụng đến để bố trí đèn bàn, đèn chân đứng từ sàn hoặc đèn thả trần, vừa tăng ánh sáng khả dụng, vừa góp phần trang trí thêm cho phòng khách. 

     

    đèn phòng khách

     

    6.2. Chọn đèn phòng bếp

    Phòng bếp là nơi chuẩn bị thức ăn, nấu nướng và rửa dọn. Cần ưu tiên bố trí cả 2 hệ thống đèn tổng thể và đèn phân vùng, đặc biệt ở vị trí bàn đảo, bếp nấu và chậu rửa. Lượng ánh sáng tổng thể cần cho phòng bếp là 5.000 – 10.000 Lumens, ánh sáng mỗi khu vực tối thiểu là 450 Lumens.

    Trong bố trí ánh sáng của căn bếp hiện đại, KTS thường dùng đèn chiếu tổng thể gắn trên trần, đèn chiếu theo các phân vùng là đèn thanh dài, ánh sáng vàng ấm gắn mặt dưới tủ bếp ở khu vực nấu nướng.

     

    đèn tủ bếp

     

    Với vị trí chậu rửa, nên bố trí ánh sáng từ đèn ốp trần rọi thẳng xuống, hạn chế bóng người hắt che khu vực này.

     

    đèn chậu rửa

     

    Bàn đảo được thiết kế ở trung tâm bếp, sử dụng với rất nhiều mục đích khác nhau. Với căn hộ nhỏ, bàn đảo bếp có thể kết hợp làm quầy bar hoặc bàn ăn giúp tiết kiệm không gian. Đèn sử dụng cho khu vực bàn đảo thường là dạng đèn thả, nên chọn tối thiểu 2 đến 3 đèn để đảm bảo đủ ánh sáng làm việc. Có thể chọn đèn không chao, đèn trong suốt, đèn chất liệu kim loại, kính để tạo vẻ thông thoáng, đồng thời giúp tăng lượng ánh sáng rọi xuống bàn.

     

    đèn bàn đảo

     

    Với không gian bếp rộng lớn, bàn đảo, quầy Bar hình chữ nhật nên chọn đèn thả dạng thanh dài hoặc đèn thả chùm nhiều bóng trên khung hình chữ nhật. Có thể chọn đèn chao kín, chất liệu kim loại, vải, nhựa, gỗ để tạo vách ngăn giả, hạn chế cảm giác thông suốt ở khu vực này.

     

    đèn bàn đảo

     

    6.3. Chọn đèn phòng vệ sinh

    Phòng vệ sinh là khu vực mang tính riêng tư, người sử dụng thường có khuynh hướng thích tự ngắm nhìn trong gương, vì vậy ánh sáng khu vực xung quanh vị trí gương rất quan trọng. Ánh sáng tổng thể của phòng vệ sinh là 4.000 – 8.000 Lumens, ánh sáng phân vùng tối thiểu là 1.700 Lumens.

    Theo kiểu thông thường, phòng vệ sinh thường được bố trí 1 đèn tổng thể ở chính giữa trần, đèn hắt dạng thanh dài phía trên hoặc đèn vách 2 bên gương. Khi bố trí theo cách này, lưu ý chiều cao tối thiểu đến đèn trên gương là 1.8 m, đến đèn vách 2 bên gương là 1.5 m, khoảng cách giữa đèn và mép gương là 10 cm.

     

    Đèn wc 1

     

    Tuy nhiên, cách bố trí trên có nhược điểm là ánh sáng tổng thể từ trần sẽ đổ bóng người vào gương, ánh sáng phân vùng quá gần tường không đủ chiếu tới mặt người. Để khắc phục, một phương án khá hợp lý là đèn tổng thể phân thành nhiều bóng nhỏ, lắp đều trên trần để hạn chế bóng hắt. Dùng đèn thả thay cho đèn vách, điều chỉnh ngang mặt người đứng, cách tường tối thiểu 20 cm để ánh sáng trở nên hữu dụng hơn. 

     

    đèn thả wc

     

    6.4. Chọn đèn phòng ăn

    Phòng ăn quan trọng nhất là khu vực bàn ăn, nên luôn cần đèn trang trí cung cấp ánh sáng ở vị trí này. Ánh sáng tổng thể của phòng ăn nên từ 3.000 – 6.000 Lumens, ánh sáng phân vùng tối thiểu là 400 Lumens.

    Trong trang trí truyền thống, thường sẽ có 2 hệ đèn cùng phân bố ánh sáng từ trần nhà, là hệ đèn âm trần cung cấp ánh sáng tổng thể và đèn treo thả trên bàn cung cấp ánh sáng phân vùng, với chức năng tăng giảm, điều chỉnh màu sắc ánh sáng để thay đổi không khí.

     

    đen phong an 3

     

    Tuy nhiên các KTS cho rằng phòng ăn thường treo tranh hoặc bố trí tủ, kệ, lam trang trí, tạo thành các vùng khuất bóng. Vì vậy, ngoài nguồn sáng từ đèn chùm trên bàn ăn, cần bổ sung thêm ánh sáng điểm dạng đèn tranh, đèn hắt để hạn chế khoảng tối trên tường hoặc góc tối trong phòng.

     

    đèn phòng ăn 2

     

    6.5. Chọn đèn phòng ngủ

    Phòng ngủ là không gian nghỉ ngơi, cần mang lại cảm giác ấm áp, lãng mạn. Cách bố trí ánh sáng thông thường là gắn đèn ốp trần hay đèn chùm ngay trung tâm phòng ngủ cung cấp ánh sáng tổng thể. Sử dụng đèn vách hoặc đèn ngủ có chao đặt ở bàn trang điểm đầu giường cung cấp ánh sáng phân vùng. Ánh sáng tổng thể của phòng ngủ nên từ 2.000 – 4.000 Lumens, ánh sáng đọc sách tối thiểu là 500 Lumens cho mỗi khu vực.

    Trong thiết kế hiện đại, KTS thường dùng giường ngủ làm trung tâm, không bố trí đèn chùm tập trung nguồn sáng ngay trên giường ngủ. Ánh sáng tổng thể sẽ được chia nhỏ, bố trí xung quanh theo nguyên tắc đèn chiếu từ trần không được bố trí băng ngang qua giường. Khoảng cách từ mép giường đến vị trí đèn trần phòng ngủ tối thiểu là 30 cm. Cách bố trí này giúp tránh được cảm giác khó chịu, từ ánh sáng trực tiếp chiếu vào mắt khi nằm trên giường. 

     

    đèn phòng ngủ 1

     

    Phòng ngủ rất cần đèn đọc sách, nên đèn có chao vẫn là lựa chọn phù hợp, cung cấp ánh sáng phân vùng cho vị trí đầu giường. Nên chọn loại đèn có khả năng tăng giảm ánh sáng, chuyển đổi 2 chức năng đèn đọc sách và đèn ngủ khi cần thiết. Cần lưu ý, đèn chao đặt bàn chiếm khá nhiều diện tích, nếu tủ đầu giường nhỏ thì hạn chế đặt đèn bàn, nên thay thế bằng đèn có chân đặt từ mặt đất, hoặc đèn gắn từ vách tường.

     

    đèn đặt sàn

     

    Có thể lựa chọn đèn treo thả ở góc đầu giường ngủ, khoảng cách từ đỉnh đầu giường cho đến đáy đèn là 50 cm. Nên chọn đèn có chao chụp, mục đích hướng ánh sáng vào khu vực cần đọc sách, mà vẫn đảm bảo không khí dịu nhẹ, không ảnh hưởng đến giấc ngủ của người bên cạnh. Ưu điểm của đèn thả là tiết kiệm không gian, không có chân nên dễ vệ sinh góc đầu giường ngủ. Ngoài ra với các căn hộ không có sẵn nguồn điện, thì gắn đèn thả từ trần rất thuận lợi trong việc đi dây.

     

    đèn thả đầu giường

     

    Để tăng tính chất trang trí, ngoài 2 hệ ánh sáng nêu trên, cần bổ sung thêm đèn chiếu vị trí ở vách đầu giường, vì đây là bức tường trung tâm của phòng ngủ. Có thể sử dụng đèn âm trong trần thạch cao, đèn viền tranh trang trí, đèn rọi tranh ... với đặc điểm chung là hướng chiếu sáng không hắt trực tiếp vào mắt người.

     

     

     

    6.6. Chọn đèn phòng làm việc

    Phòng làm việc thường gắn với các hoạt động đọc sách, viết lách, làm việc với máy tính. Ánh sáng khu vực quan trọng hơn ánh sáng tổng thể.  Ánh sáng tổng thể của phòng làm việc nên từ 3.000 – 6.000 Lumens, ánh sáng khu vực tối thiểu là 1.200 Lumens.

    Khi bố trí, cần đặt đèn bên phải hoặc bên trái trước vai người ngồi, tránh tạo bóng đổ lên bàn làm việc. Ưu tiên chọn ánh sáng trắng, nhiệt độ màu từ 5000 K trở lên. Đây là dải màu tốt nhất, không gây mỏi mắt, trung hòa với ánh sáng xanh phát ra từ màn hình máy vi tính nếu có.

     

    đèn phòng làm việc

     

    Nếu không gian chật hẹp, có thể dùng đèn thả hoặc đèn có chân dài gắn từ vách. Nên chọn đèn có chao để tập trung ánh sáng, vị trí đèn nằm phía trước mặt người, cách đỉnh đầu tối đa 30 cm. Cũng có thể bố trí đèn ở mặt dưới kệ, tủ sách, nhưng cần lưu ý vị trí đèn không nằm sau lưng màn hình vi tính, vì sự tương phản sẽ làm màn hình trở nên càng trở nên tối hơn. 

     

    đèn phòng làm việc

     

    6.7. Chọn đèn hành lang, lối đi

    Ánh sáng tổng thể của cầu thang là 1.200 – 4.000 Lumens, ánh sáng của hành lang là 1.200 – 1.500 Lumens.

    Với hành lang, đèn chùm phải tạo khoảng cách tối thiểu từ mặt đất đến đèn là 2.1 m, để thuận tiện cho việc mang vác dụng cụ, thiết bị. Ở vị trí có cửa mở, đèn treo cách cửa tối thiểu là 1.2 m

    Nếu chọn đèn vách để gắn tường hành lang và cầu thang, chiều cao từ mặt đất đến đáy đèn tối thiểu là 1.7 m. Không chọn đèn nhô khỏi mặt tường hơn 20 cm, ưu tiên chọn dạng đèn ốp sát vách tường, để không gây cản trở hoạt động đi lại phía dưới.

    6.8. Chọn đèn khu vực ngoại thất

    Đèn ngoại thất có tính năng đảm bảo an toàn, an ninh và tham gia trang trí cảnh quan. Ánh sáng tổng thể của sân nên từ 1.000 – 2.000 Lumens, ánh sáng phân vùng tối thiểu là 300 Lumens cho mỗi khu vực.

    Do điều kiện ngoại thất khắc nghiệt, cần ưu tiên chọn đèn có độ bền cao và thiết kế an toàn. Chất liệu khung đèn ưu tiên là tôn, thép sơn tĩnh điện, inox không rỉ, đồng nguyên chất, nhôm đúc. Vật liệu dẫn sáng nên là kính, Acrylic với ưu điểm bền với tác động của tia UV.

     

    đèn ngoài trời

     

    Theo cách thông thường, đèn ngoại thất thường bố trí số lượng ít nhưng có cường độ ánh sáng mạnh. Độ tương phản cao sẽ tạo ra các góc tối mắt người không quan sát được xung quanh vùng sáng. Trong thiết kế hiện đại, nên chia khu vực ngoại thất thành 3 vùng. Vùng gần nhà chọn đèn chiếu sáng mạnh, bố trí ngay cửa ra vào và cửa sổ. Mục đích nhằm tăng độ an toàn, kẻ xấu rất e ngại khi đứng phá cửa ở vùng sáng, chủ nhà cũng không lộ mặt khi đứng quan sát từ phía trong cửa kính. Đèn phù hợp cho khu vực này là kiểu ốp trần trước cửa ra vào, hoặc đèn vách 2 bên cửa sổ. Có thể lựa chọn dạng đèn có chao kính, thân uốn hoa văn Gotic cho kiểu nhà cổ điển, hoặc thân thẳng, đơn giản cho kiểu nhà hiện đại. 

     

    đèn ngoài sân

     

    Hai vùng còn lại là giữa sân và cuối sân, cần bố trí tăng số lượng và giảm cường độ chiếu sáng của đèn, tạo vùng ánh sáng đồng đều, thuận tiện quan sát mọi góc sân khi đứng nhìn từ trong nhà. Nếu sân vườn rộng, đèn cần được bố trí theo vị trí tiếp nối, tạo đường dẫn bằng ánh sáng tới thẳng cửa trước. 

     

    đèn hiện đại

     

    Sân vườn có nhiều cây cối, trang trí cảnh quan, nên bố trí giấu đèn trong các lùm cây, vách hòn non bộ, viền thác nước để không phá vỡ khung cảnh chung.

     

    đèn sân vườn

     

    Có thể dùng đèn chùm thả có hình dạng, màu sắc, chất liệu mô phỏng thiên nhiên, bố trí lẫn vào khu vực có nhiều cây xanh, để tăng tính chất trang trí.

     

    đèn thả ngoại thất

     

    7. Kết luận 

    Từ tất cả các thông tin trong bài viết, có thể thấy chọn mua đèn chiếu sáng không đơn giản như mọi người vẫn nghĩ. Khách hàng cần có kế hoạch lựa chọn và bố trí đèn ngay từ đầu, để kỹ sư điện nước thi công đường dây điện chính xác ngay trong quá trình xây thô.

    Để tránh phát sinh sửa chữa ở giai đoạn hoàn thiện, đội ngũ thi công nên bàn bạc với khách hàng về bản vẽ điện nước trước khi triển khai. Vì từ bản vẽ cơ bản của KTS, áp dụng giống nhau cho mọi công trình, khách hàng sẽ luôn cần điều chỉnh, phù hợp với nhu cầu sử dụng của mình.

    Quý bạn đọc và khách hàng nếu có ý kiến đóng góp, hoặc cần tư vấn chi tiết hơn cho từng trường hợp, vui lòng để lại tin nhắn ở mục bình luận phía dưới, Trangtrinoithatxinh.vn sẵn sàng được hỗ trợ.

     

     

     

    Cẩm nang mua hàng:

    Phần 1 - Chọn mua bàn cầu tiết kiệm chi phí

    Phần 2 - Công thức chọn mua gạch ốp lát kích thước phù hợp 

    Phần 3 - Hướng dẫn chọn mua máy nước nóng Năng lượng mặt trời

    Phần 4 - Hướng dẫn chọn mua đá sân vườn

    Phần 5 - Hướng dẫn chọn mua sơn nước

    Phần 6 - Hướng dẫn chọn mua đèn chiếu sáng

    Xem thêm:

    Tại sao nhiều mẫu vòi nước cao cấp lại có giá bán rất rẻ trên thị trường?

    Làm sao để phân biệt gạch men và đá khi mua hàng?

    Làm thế nào để đánh giá chất lượng gạch men bằng mắt thường?

    Gạch bông là gì, nên sử dụng ở đâu là đẹp?

    So sánh ngói đất nung và ngói bê tông màu

    Cẩm nang hướng dẫn trang trí nhà đẹp:

    Phần 1. Phong cách hiện đại

    Phần 2. Phong cách cổ điển

    Phần 3. Phong cách trung hòa

    Phần 4. Phong cách đương đại

    Phần 5. Phong cách công nghiệp

    ĐÁNH GIÁ SAO

    4.7
    1
    0 Đánh giá
    2
    0 Đánh giá
    3
    1 Đánh giá
    4
    0 Đánh giá
    5
    5 Đánh giá

    BÌNH LUẬN

    Cửa, Ổ khóa, Phụ kiện
    0909313249