Cẩm nang mua hàng – Phần 5. Hướng dẫn chọn mua Sơn nước

( 05-09-2022 - 04:01 PM ) - Lượt xem: 1963 - Bình luận: 4

    Trên thị trường hiện nay có rất nhiều nhãn hàng sơn nước, với chất lượng, tính năng và giá cả rất khác biệt, nên chọn mua loại sơn nào là điều khách hàng băn khoăn nhưng rất khó tìm câu trả lời chuẩn xác. 

    Sau Phần 1 - Chọn mua bàn cầu tiết kiệm chi phíPhần 2 - Công thức chọn mua gạch ốp lát kích thước phù hợpPhần 3 - Hướng dẫn chọn mua máy nước nóng Năng lượng mặt trời, Phần 4 - Hướng dẫn chọn mua đá sân vườn, thuộc bộ Cẩm nang mua hàng, ấn bản độc quyền trên Website Trangtrinoithatxinh.vn.

    Hôm nay chúng tôi tiếp tục cung cấp thông tin về Phần 5 - Hướng dẫn chọn mua sơn nước, thể hiện trong nội dung sau: 

    1. Lịch sử phát triển của sơn nước

    Sơn là hỗn hợp nhũ tương gồm tinh chất màu hòa tan trong dung môi trung tính, sử dụng với mục đích trang trí hoặc bảo vệ bề mặt. Sơn thô sơ xuất hiện khoảng 30.000 năm trước, được làm từ các chất màu tự nhiên như màu nâu đất sét non, màu vàng từ chất rỉ kim loại, màu đen từ than, màu xanh từ dịch ép lá ... Dấu tích còn sót lại ngày nay là các bức tranh vẽ cảnh sinh hoạt của con người, hình ảnh cây cối hoặc động vật trên các vách hang động thời cổ đại.

    Sơn công nghiệp được nghiên cứu lần đầu tiên tại Mỹ, bởi Thomas Child tại Boston năm 1700, nhưng phải đến hơn 1.5 thế kỷ sau, vào năm 1867, công thức sơn mới được hoàn thiện, đưa vào sản xuất bởi D.R. Averill tại Ohio, và nhanh chóng được sử dụng rộng rãi khắp nước Mỹ.

    Ngày nay có rất nhiều công ty sản xuất sơn trên thế giới, sử dụng tinh màu tổng hợp và chất nền hữu cơ với công thức cải biến nhằm tạo ra các dòng sơn chuyên biệt, bề mặt ưu việt với tính năng dễ lau chùi, chống nấm mốc, chống thấm hoặc chống rạn nứt khác nhau. Trong xây dựng và trang trí nội thất, sơn là sản phẩm không thể thiếu vì ngoài mục đích trang trí, sơn còn là lớp phủ bảo vệ bề mặt, gia tăng tuổi thọ của công trình.

    2. Thành phần cấu tạo sơn nước

    Thành phần cơ bản của sơn gồm 4 nhóm là tinh màu, dung môi, chất đệm và phụ gia.

    2.1. Tinh màu

    Có hàng trăm loại tinh màu nguồn gốc tự nhiên hoặc tổng hợp khác nhau, giữ vai trò tạo màu sắc cho sơn. Mỗi công thức tinh màu lại được tổng hợp từ các thành phần khác nhau để đảm bảo sắc thái và độ bền màu cao nhất, ví dụ thành phần cơ bản của màu trắng là Titanium với khả năng che phủ bề mặt rất cao, màu đen là Carbon, màu đỏ là Sắt và Cadmium, màu vàng và màu cam là các muối kim loại, màu xanh dương và màu xanh lá cây là hỗn hợp của Sắt và Chrome ...

    Nhờ công thức tinh màu đa dạng, sơn nước hiện nay có thể được pha được 2040 màu, đáp ứng được nhu cầu trang trí của ngay cả những khách hàng khó tính nhất

    2.2. Dung môi

    Dung môi là các chất lỏng dễ bay hơi và có tính nhớt, được pha chế từ các thành phần hữu cơ chứa vòng thơm có nguồn gốc dầu mỏ như benzol, alcohols, esters, ketones và acetone. Tính dễ bay hơi giúp bề mặt sơn nhanh khô, tính nhớt giúp các thành phần ổn định, đồng nhất và không tách lớp trong quá trình bảo quản.

    2.3. Chất đệm

    Chất đệm (Resin) là các chất có khả năng tạo liên kết bề mặt, kết nối các thành phần trong sơn thành một hỗn hợp đồng nhất. Vai trò quan trọng nhất của chất đệm là tạo màng sơn bền vững, có khả năng chống thấm do có tính phân cực, giảm tác động xuyên qua của ánh sáng mặt trời gây mất màu và rạn vỡ màng sơn.

    2.4. Phụ gia

    Phụ gia rất đa dạng, được thêm vào với liều lượng khác nhau với mục đích tạo hoạt tính đặc biệt cho sơn. Bột đá vôi (calcium carbonate) hoặc bột khoáng Nhôm silic (aluminum silicate) được thêm vào để tạo độ đặc, giúp sơn sánh mịn, không chảy nhão khi lăn. Các chất có tính biến dạng đàn hồi như bụi Silic thêm vào để tạo bề mặt mịn phẳng, chống nứt vỡ màng sơn. Các kim loại như Kẽm, Canxi, Coban, Mangan thêm vào để giúp màng sơn nhanh khô vì có khả năng xúc tác phản ứng Polyme hóa. Ngoài ra còn có các chất chống bay màu, kháng nấm mốc, chống bám bẩn, chất điều chỉnh độ bóng hoặc mờ của bề mặt sơn, chất phá bọt,

    3. Phân loại sơn nước

    3.1. Sơn lót nội thất và ngoại thất

    Sơn lót là loại sơn màu trắng trong, sơn 1 – 2 lớp vào tường trước khi phủ lớp sơn màu chính thức. Công dụng của sơn lót là tạo bề mặt hơi nhám nhẹ, công thức có các gốc mồi (primer) tự do, tạo liên kết bền vững, tăng độ bám cho sơn phủ vào tường. Trường hợp sơn lên tường cũ có độ bóng cao, việc sử dụng sơn lót là bắt buộc, nếu không màng sơn sẽ không thể bám dính, tự bong thành mảng sau một thời gian sử dụng.

    Sơn lót có tác dụng bịt kín các khe hổng trên tường, tạo lớp đệm hạn chế hao tốn sơn phủ. Do giá sơn lót rẻ hơn sơn phủ, nên với các bức tường có độ thấm hút cao, ví dụ tường thạch cao, tường xây bằng gạch nung (brick), gạch không nung (block) ... không trét bột bả, nên sử dụng sơn lót, vừa giảm chi phí vừa tăng độ bền cho màng sơn.

    Sơn lót cần được sử dụng khi muốn sơn lại màu nhạt lên màu sơn cũ rất đậm. Do có màu trắng, lớp sơn lót sẽ gia tăng độ phủ, giúp màu sơn mới hiển thị chính xác hơn.

    Ngoại trừ các trường hợp nêu trên, trong thực tế thi công, nếu tường sơn mới, có sử dụng bột trét và ở tình trạng hoàn hảo thì có thể bỏ qua sơn lót nội thất. Tuy nhiên điều này không phù hợp với khuyến cáo từ các chuyên gia.

    Bề mặt tường ngoại thất thường bị kiềm hóa, là hiện tượng chất vôi trong thành phần hồ vữa, phản ứng với H2O trong nước mưa và CO2 trong không khí tạo thành chất kiềm. Khi bị kiềm hóa, tường sẽ xuất hiện các nốt phồng rộp, vết loang lổ khác màu, biến tính lan rộng phá hủy màng sơn. Vì vậy ngoài các đặc tính như sơn lót nội thất nêu trên, sơn lót ngoại thất được bổ sung thêm khả năng chống kiềm.

    Lớp sơn lót chống kiềm sẽ có 2 tác dụng, thứ nhất là tạo lớp màng, ngăn chất vôi tiếp xúc với nước và không khí bên ngoài. Thứ hai là có bổ sung chất khử kiềm, trong trường hợp chất vôi liên kết với nước thấm hút từ dưới đất lên theo hiện tượng mao dẫn.

    Như vậy, sơn lót chống kiềm là lớp bắt buộc, không thể bỏ qua khi thi công sơn nước ngoại thất. Có thể dùng sơn lót ngoại thất cho nội thất, nhưng ngược lại không thể dùng sơn lót nội thất cho ngoại thất, vì không có tính chống kiềm.

    3.2. Sơn phủ nội thất và ngoại thất

    Sơn ngoại thất phải đảm bảo tính bền màu, chống thấm, màng sơn có khả năng co giãn theo biến động nhiệt độ để chống rạn nứt. Trong khi sơn nội thất chỉ chú trọng khả năng bắt màu màu tươi sáng, màng sơn dễ lau chùi và chống trầy xước cao. Vì vậy, sơn nội thất không sử dụng được cho khu vực ngoại thất.

    Khác biệt cơ bản giữa sơn nội thất và ngoại thất là thành phần chất đệm (Resin). Trong công thức, sơn nội thất thường dùng Alkyds, tạo độ bóng cao và dễ bắt màu, và Polyurethanes tạo màng sơn chống bám bẩn, dễ lau chùi. Sơn ngoại thất thường dùng Acrylics, ưu điểm nổi bật là khả năng chống thấm và bền với tác động của ánh sáng mặt trời, và Epoxies là chất kém hoạt động, chống lại tác động bất lợi của thời tiết.

    >> Sản phẩm bề mặt Nano trong trang trí nội thất

    Do chất đệm của sơn ngoại thất ở trạng thái bền vững, cần rất nhiều thời gian để khuyếch tán vào không khí, nên theo ý kiến của các chuyên gia, không nên dùng sơn ngoại thất cho khu vực nội thất, vì không tốt cho sức khỏe người sử dụng.

    4. Hướng dẫn chọn sơn mua sơn nước

    4.1. Cách chọn mua sơn nước chính hãng

    Có nhiều thương hiệu sơn nước khác nhau trên thị trường, mỗi thương hiệu lại có nhiều dòng sản phẩm với tính năng khác nhau. Giá cả sơn nước biến động rất mạnh, tùy thuộc vào chất lượng hóa chất sử dụng trong sản xuất, uy tín thương hiệu và dịch vụ chăm sóc khách hàng kèm theo.

    Tuy nhiên, sơn nước và bột trét là sản phẩm rất dễ bị làm giả, xác suất mua phải sơn giả trên thị trường rất cao. Các thương hiệu càng nổi tiếng, thì sản phẩm bị làm giả càng nhiều. Việc làm giả hiện nay rất tinh vi, các cơ sở sử dụng kỹ thuật in ấn bao bì hiện đại, màu sắc sắc nét, rõ ràng nên rất khó phân biệt ngay cả với người bán hàng kinh nghiệm lâu năm.

    Với khách hàng, việc phân biệt sơn nước thật và giả gần như là không thể, vì không có mẫu sơn thật để đối chiếu, so sánh. Mỗi website của một thương hiệu sơn nước uy tín, thường có phần hướng dẫn phân biệt sơn thật giả, được cập nhật khá thường xuyên. Khách hàng nên tham khảo kênh thông tin này trước khi quyết định mua hàng.

    Để tránh khả năng mua phải sơn giả, nên tìm hiểu hệ thống cửa hàng trên Website chính thống của các thương hiệu sơn nước, hoặc gọi điện thoại vào số Hotline công bố trên các Website này để được giới thiệu cửa hàng chính hãng theo khu vực công trình.

    Khi một cửa hàng bán sơn cùng chủng loại nhưng giá rẻ hơn nhiều so ít nhất 3 cửa hàng trong khu vực, khách hàng nên cân nhắc rủi ro trước khi chọn mua. Nếu nghi ngờ sản phẩm không chính hãng, ví dụ sơn Dulux, người tiêu dùng có thể gọi vào số điện thoại chăm sóc khách hàng trên bao bì, yêu cầu dịch vụ kiểm tra mẫu sơn miễn phí từ nhà sản xuất. Trong vòng 24 giờ, sẽ có kỹ thuật viên tới công trình thu mẫu và mang về nhà máy kiểm tra thành phần, trả lời kết quả trong vòng 2 – 4 ngày.

    Theo chúng tôi, đây là cách mua sơn chính hãng tốt nhất hiện nay. Tuy hơi mất thời gian nhưng chi phí sơn nước chất lượng tốt không hề ít. Nếu không mua đúng sơn tốt và chính hãng, đặc biệt là khu vực ngoại thất, thì công trình sẽ xuống cấp rất nhanh. Việc sơn lại sẽ rất tốn kém, mất thời gian, ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh, đặc biệt với các tòa nhà cao tầng.

    4.2. Cách chọn mua sơn nước theo thông số kỹ thuật trên bao bì

    Khi chọn mua sơn nước, nên chú ý thông số độ phủ in trên bao bì. Sơn đậm đặc và có tỉ lệ Tinanium Dioxide cao (Ti2O) sẽ có độ phủ cao (11 - 12 m2/Lít/Lớp). Sơn rẻ tiền thường khá loãng, độ phủ thấp (5 – 6 m2/Lít/Lớp). Như vậy mặc dù rẻ tiền hơn, nhưng độ phủ thấp sẽ tốn sơn hơn, tốn thời gian thi công khi phải sơn đi sơn lại nhiều lần.

    Các phụ gia chất lượng tốt giúp sơn có tuổi thọ cao, bền màu, chống trầy xước tốt. Sơn rẻ tiền thường kém bền, màng sơn dễ bong tróc, đặc biệt hóa chất sử dụng độc hại, có thể gây choáng váng, nhức đầu với một số người mẫn cảm. Khi mua sơn nên chú ý thông số về hàm lượng VOC (chất hữu cơ dễ bay hơi), một số sản phẩm sẽ không công bố thông số này vì không đạt yêu cầu trong kiểm nghiệm chất lượng (tiêu chuẩn này chưa bắt buộc công bố). Ưu tiên mua sản phẩm có tỉ lệ thấp VOC càng thấp càng tốt, chứng tỏ sản phẩm đạt các tiêu chuẩn quốc tế về môi trường và sức khỏe cộng đồng.

     

    sơn an toan

     

    Hình 1. Sơn có hàm lượng VOC thấp sẽ an toàn hơn cho sức khỏe

     

    4.3. Cách chọn mua sơn nước theo mẫu thử

    Khi mua sơn nước, nếu đang cân nhắc giữa hai thương hiệu, có thể mua mỗi loại 1 thùng dung tích 1 kg hoặc 5 kg làm mẫu thử, trước khi đặt mua số lượng lớn. Đánh giá chất lượng sơn qua một số bước như sau:

    Bước 1. Kiểm tra độ đậm đặc

    Sơn đậm đặc khi chất sơn đồng nhất, các thành phần mịn nhuyễn, phân tán đều. Khi lắc thấy sơn chuyển động chậm theo mảng do có độ nhớt, không văng mạnh như nước. Khi thử lên tường sẽ thấy sơn không chảy nhão thành vệt dài, nhanh khô, tạo bề mặt mịn màng, không nổi mẩn hạt.

     

    kiểm tra sơn

     

    Hình 2. Kiểm tra độ đậm đặc của sơn

     

    Bước 2. Kiểm tra khả năng che phủ

    Lăn phủ sơn lên 2 bề mặt đen và trắng để so sánh. Nếu thấy khả năng che phủ bề mặt đen so với bề mặt trắng từ 95% - 98% là sơn chất lượng cao, khoảng 90% là sơn tốt, từ 80% trở xuống là sơn có chất lượng trung bình đến thấp.

    Bước 3. Kiểm tra khả năng hiển thị chính xác màu sắc so với bảng màu

    Lăn thử 2 lớp sơn màu lên khoảng 0.5 m2 nền tường trắng. Sau khi sơn khô hoàn toàn, quan sát màu sơn vào 2 thời điểm chiếu sáng khác nhau, ví dụ buổi sáng và buổi chiều. Nếu thấy sơn hiển thị đúng với bảng màu thì chứng tỏ các thành phần được phối trộn đúng tỉ lệ, chất lượng sơn ổn định.

     

    sơn nội thất

     

    Hình 3. Kiểm tra, so sánh màu sơn 

    >> Bảng 2040 màu sơn Dulux

    Bước 4. Kiểm tra khả năng chống trầy xước, chống mài mòn của bề mặt sơn

    Dùng lưỡi dao mỏng tạo các đường rạch nhẹ, xếp chéo ngang dọc trên bề mặt sơn đã khô hoàn toàn, khoảng cách giữa 2 vết rạch là 2 mm. Dùng băng keo dán phủ lên khoảng 10 phút, tháo băng keo ra và quan sát bề mặt. Nếu vết rạch biến mất, chứng tỏ thành phần chất đệm biến tính đàn hồi của sơn đạt yêu cầu.

    4.4. Cách chọn mua sơn nước theo công năng sử dụng

    Để có thể sử dụng sơn hiệu quả với chi phí hợp lý nhất, có thể tham khảo hướng dẫn như sau:

    Bước 1. Chọn sơn cho trần nhà

    Sơn trần nhà ưu tiên màu trắng sáng, tạo cảm giác thông thoáng, nhẹ nhàng. Không nên chọn màu đậm, vừa mang lại cảm giác nặng nề, ngột ngạt, vừa tạo thế “núi đè đầu”, không tốt trong phong thủy.

    Trên thị trường, có 2 loại sơn trắng, tạm gọi là sơn siêu trắng và sơn trắng gốc. Sơn trắng gốc có màu trắng nhạt, mã số thường ghi chữ “Base”, là sơn dùng để pha sơn màu. Sơn siêu trắng là sơn trắng gốc đã pha thêm tinh màu trắng, mã số không có chữ “Base”, có màu trắng sáng hơn sơn trắng gốc.

    So sánh độ trắng sáng, tỉ lệ giữa 2 loại sơn là 8/10. Nếu sơn trên 2 bức tường cạnh nhau, khác biệt về màu sắc rất khó nhận biết, tuy nhiên độ che phủ của sơn siêu trắng cao hơn so với sơn trắng gốc. So sánh về giá cả, sơn siêu trắng thường đắt hơn sơn trắng gốc từ 100.000 – 200.000 vnđ/thùng 18L. Vì vậy, nếu khu vực trần nhà đã có bột trét màu trắng, khách hàng có thể chọn mua sơn trắng gốc thay cho sơn siêu trắng.

    Do trần nhà là khu vực ít bám bẩn, nếu muốn tiết kiệm chi phí, khách hàng có thể chọn dòng sơn thấp đến trung cấp, ví dụ sơn Maxilite Smooth. Không cần thiết phải mua sản phẩm dễ lau chùi, bóng mịn, vì giá cả khá cao.

    Bước 2. Chọn sơn cho khu vực hành lang, cầu thang

    Đây là khu vực rất dễ bám bẩn, khả năng trầy xước rất cao, cần ưu tiên chọn loại sơn tốt nhất (thường là loại sơn đóng trong thùng thiếc, dung tích 5 lít), ví dụ sơn Dulux 5 in 1. Đây là dòng sơn cao cấp nhất của thương hiệu Dulux, dù giá cả khá cao nhưng nên được ưu tiên sử dụng, nếu tính về hiệu quả lâu dài.

    Khu vực hành lang, cầu thang nên sử dụng sơn lót để tăng độ bám dính của sơn phủ, điều nay rất quan trọng với quá trình lau chùi. Nếu sơn có bề mặt lau chùi tốt, nhưng mức độ bám dính thấp, thì khả năng sơn bị bong tróc khỏi bề mặt khi lau chùi khá cao.

    Dù có tính năng lau chùi, nhưng cũng nên hạn chế chọn sơn sáng màu cho khu vực này. Nên ưu tiên chọn sơn màu xám đất, gần trùng màu với vết bẩn tự nhiên để giảm tần suất lau chùi. Vì khi chà xát nhiều, các vết xước xuất hiện sẽ ảnh hưởng không tốt đến kết cấu màng sơn bên trong.

    Bước 3. Chọn sơn cho các phòng nội thất

    Tùy theo khả năng chi trả, khách hàng có thể chọn sơn trung cấp hoặc cao cấp cho các tường phòng. Màu nhạt thường làm cho căn phòng trông sáng và rộng hơn, trong khi màu tối có tính chất trang trí, tạo điểm nhấn, tăng chiều sâu cho không gian.

    Trong phong cách thiết kế hiện nay, nhất là với các căn hộ thông suốt. Thay vì sơn 4 bức tường 1 màu đơn điệu, kiến trúc sư thường chọn màu đậm cho 1 bức tường, hoặc 1 khu vực với mục đích phân chia không gian, tạo cá tính cho căn phòng.

    Từ nguyên tắc này, khách hàng nên khéo léo bố trí màu sơn đậm ở vị trí thường va chạm, dễ gây bẩn, ví dụ lối đi vào phòng, góc đặt ghế sofa, bàn ăn. Đối với khu vực đầu giường, tủ quần áo, tủ trang điểm ... ít va chạm thì nên chọn màu sơn nhạt để tạo sự cân bằng tổng thể. 

    >> Bảng 1600 màu sơn Maxilite

     

    son xam

     

    Hình 4. Sơn màu đậm ở khu vực dễ bám bẩn

     

    Bước 4. Chọn sơn cho khu vực ngoại thất

    Do điều kiện ngoại thất luôn rất khắc nghiệt, nên bắt buộc phải sử dụng sơn lót chống kiềm và sơn phủ loại tốt.

    Có nhiều loại sơn ngoại thất với tính năng khác nhau, khu vực khí hậu ẩm ướt, nên ưu tiên chọn sơn có khả năng chống thấm, kháng rêu mốc. Khu vực ánh nắng mặt trời gay gắt, nên chọn sơn có tính chất bền màu. Khu vực nắng nóng, nhiệt độ cao, nên chọn sơn có tính chất giảm nhiệt. Khu vực có biên độ nhiệt biến động mạnh giữa các mùa, các thời điểm, nên chọn sơn có thể tạo màng có tính co giãn cao.

    Mặc dù sơn nước hiện có thể pha thành 2040 màu sắc, nhưng không phải tinh màu nào cũng có độ bền như nhau. Các màu đậm, sắc thái rực rỡ như cam, xanh chuối, hồng tím, đỏ tươi ... có xu hướng bay màu nhanh hơn các màu xám, nâu, xanh tím.

    Để khắc phục, với một số công thức màu, nhà sản xuất sẽ yêu cầu phải sử dụng sơn lót nền đặc biệt. Thực tế, đây chỉ là một lớp sơn đen, khách hàng mua thêm để sơn lót tạo nền trước khi sơn màu. Lớp nền này có 2 tác dụng, một là tăng độ phủ của sơn màu tốt hơn so với nền trắng, hai là hạn chế lộ vết loang lổ của nền trắng khi sơn phủ bay màu.

    Không phải nhân viên bán hàng nào cũng am hiểu tường tận các loại sơn. Khi sử dụng sơn ngoại thất thuộc nhóm màu rực rỡ, khách hàng nên yêu cầu nhân viên kiểm tra trên màn hình máy tính pha màu, xem sản phẩm có yêu cầu sơn lót nền hay không. Tốt nhất không nên bỏ qua bước này, nhằm đảm bảo sơn bền màu theo thời gian, xứng đáng với chất lượng thực tế của sản phẩm theo thiết kế của nhà sản xuất.

     

    son ngoai that

     

    Hình 5. Sơn màu sắc rực rỡ cần phải có sơn lót nền

     

    5. Kết luận

    Bài viết đã cung cấp tất cả thông tin liên quan đến sản phẩm sơn nước, các lưu ý quan trọng trong quá trình chọn mua sản phẩm. Để biết chi phí và giá cả mặt hàng sơn nước, khách hàng có thể tham khảo Tại đây, Trangtrinoithatxinh.vn luôn cam kết cung cấp sản phẩm chính hãng.

    Trong quá trình chọn mua và sử dụng sản phẩm sơn nước, nếu có bất cứ thắc mắc nào, quý khách có thể liên hệ trực tiếp hoặc để lại thông tin trong nội dung bình luận phía dưới, chúng tôi rất vui lòng được hỗ trợ.

     

     

     

     

     

    Cẩm nang mua hàng:

    Phần 1 - Chọn mua bàn cầu tiết kiệm chi phí

    Phần 2 - Công thức chọn mua gạch ốp lát kích thước phù hợp 

    Phần 3 - Hướng dẫn chọn mua máy nước nóng Năng lượng mặt trời

    Phần 4 - Hướng dẫn chọn mua đá sân vườn

    Phần 5 - Hướng dẫn chọn mua sơn nước

    Phần 6 - Hướng dẫn chọn mua đèn chiếu sáng

    Xem thêm:

    Tại sao nhiều mẫu vòi nước cao cấp lại có giá bán rất rẻ trên thị trường?

    Làm sao để phân biệt gạch men và đá khi mua hàng?

    Làm thế nào để đánh giá chất lượng gạch men bằng mắt thường?

    Gạch bông là gì, nên sử dụng ở đâu là đẹp?

    So sánh ngói đất nung và ngói bê tông màu

    Cẩm nang hướng dẫn trang trí nhà đẹp:

    Phần 1. Phong cách hiện đại

    Phần 2. Phong cách cổ điển

    Phần 3. Phong cách trung hòa

    Phần 4. Phong cách đương đại

    Phần 5. Phong cách công nghiệp

     

    ĐÁNH GIÁ SAO

    5
    1
    0 Đánh giá
    2
    0 Đánh giá
    3
    0 Đánh giá
    4
    0 Đánh giá
    5
    1 Đánh giá

    BÌNH LUẬN

    MMQ Baber Shop

    Tôi có mua sơn Dulux lau chùi hiệu quả, màu đỏ cam đậm để sơn bên trong Baber Shop. Do tường cũ nên nhiều chỗ phải dặm bột trét, dù sơn nhiều lớp nhưng vẫn không đều màu, chỗ có bột trét bị sáng màu hơn nhưng chỗ còn lại, nhìn rất xấu và phải đóng Alu bịt lên.

    Tôi rất thắc mắc và người bán hàng cũng không giải thích được thỏa đáng, giờ đợc thông tin thì biết là do thiếu sơn lót nền. 

    Đang nhập để Like vì thông tin hữu ích

    Viết comment để lưu ý các khách hàng khác, mua sơn màu đỏ phải chú ý, rõ là người bán không biết để tư vấn cho tôi, nên tốn tiền sơn, tốn tiền công, rất uổng.

    Trả lời Chia sẻ
    2 năm trước

    TTrangtrinoithatxinh.vn

    Rất cảm ơn nội dung bình luận của Anh/Chị.

    Kính chúc Salon của mình ngày càng kinh doanh phát đạt.

    Trân trọng!

    Trả lời Chia sẻ
    2 năm trước

    KKenvin

    Nhà em xây mới được 2 năm, tường dày 20, nhưng phần chân tường, cách mặt đất khoảng 50cm bắt đầu phồng rộp, bong bột trét lốm đốm rất bẩn. Kiểm tra thì mặt bên kia là phòng ngủ, không bị ẩm.

    Cho em hỏi tại sao lại như vậy ạ? nhà bên cạnh không bị như vậy, trong khi dự án xây nhà thô giống nhau, 2 nhà mua loại bột trét cũng nhãn hiệu, thời điểm thi công cách 6 tháng (nhà em hoàn thiện sau)

    Rất mong nhận được hồi đáp. Em cảm ơn anh

    Trả lời Chia sẻ
    2 năm trước

    TTrangtrinoithatxinh.vn

    Chào anh, 

    Nếu các điều kiện hoàn toàn giống nhau, em nghĩ có khả năng mình mua phải bột trét giả. 
    Bột giả hình thức bên ngoài rất giống bột thật, khó phân biệt bằng cảm quan.

    Tuy nhiên, đây cũng là giả định thôi ạ, mong anh tham khảo thêm các nguồn thông tin khác nữa.

    Trân trọng!

    Trả lời Chia sẻ
    2 năm trước
    Cửa, Ổ khóa, Phụ kiện
    0909313249