Sản phẩm nhà Bếp

Sản phẩm Vệ sinh

Đèn trang trí, Quạt trần

Sản phẩm Ốp lát, Đá Trang trí

Mái lợp, Sân vườn, Cảnh quan

Cửa, Ổ khóa, Phụ kiện

Sản phẩm ngành Nước

Sản phẩm ngành Sơn

Sản phẩm khuyến mãi

TƯ VẤN BÁN HÀNG
0909 3132 49
0909 7373 95
311

Gạch lát nền, gạch ốp tường - Phần 2. Gạch men

( 04-04-2024 - 03:30 PM ) - Lượt xem: 4935 - Bình luận: 11

    Nội dung thuộc chùm bài viết giới thiệu về sản phẩm gạch ốp lát, gồm Phần 1. Gạch bông (Cement Tiles), Phần 2. Gạch men (Ceramic Tiles), Phần 3. Gạch đá (Porcelain Tiles)

    1. Khái niệm gạch men

    Gạch Men (Ceramic Tiles) là dòng sản phẩm được sản xuất từ nguyên liệu và quy trình khác hẳn Gạch bông. Có lịch sử phát triển từ nghề gốm đất nung, gạch là sản phẩm gốm phủ Men, ứng dụng trong ốp tường, lát nền trang trí bề mặt.

    Do liên tục cải tiến về mặt công nghệ, theo hướng giảm giá thành, gia tăng tính thẩm mỹ và tính hữu dụng, nên gạch Men dần trở thành sản phẩm không thể thiếu trong mọi công trình.

    >> Các vấn đề thường gặp khi sử dụng gạch men 

     

     

     

    Mỗi viên gạch men gồm 2 phần, xương gạch là hỗn hợp đất sét đỏ nâu, tạo hình vuông 40 x 40 cm, hoặc chữ nhật 30 x 60 cm, độ dày từ 0.5 -  1.2 cm. Bề mặt gạch được phủ 1 lớp men, có tính chất trơ cứng, dễ lau chùi, dễ tạo màu, không thấm nước và các loại hóa chất nên rất bền bỉ với thời gian.

    Men là hỗn hợp từ rất nhiều Oxid kim loại trong đó thành phần chính và quan trọng nhất là Oxid Silic. Việc phối trộn các thành phần hóa học, bổ sung chất nền hữu cơ và điều kiện chuyển hóa khác nhau tạo nên các kiểu men có độ mờ hoặc bóng, kết cấu sần hoặc mịn, màu sắc trầm đục hoặc sáng chói, bề mặt liên tục hoặc nứt rạn khác nhau.

    Giữa 2 phần xương gạch và mặt men, nhà sản xuất có thể bổ sung thêm 1 lớp trung gian ở giữa, là các hóa chất có tính chất trung hòa, cân bằng hệ số nóng chảy, hệ số giãn nở, tránh hiện tượng nứt men trong quá trình làm nguội sản phẩm sau nung.

     

     

    2. Quy trình sản xuất gạch men

    Có nhiều quy trình sản xuất gạch men khác nhau, thay đổi tùy theo đặc điểm sản phẩm thu được cuối cùng. Quy trình cơ bản gồm các bước sau:

    2.1. Chuẩn bị nguyên liệu

    Nguyên liệu chính sử dụng trong sản xuất gạch men là đất sét đỏ (Red Clay), đây là nhóm khoáng vật Sillica - Nhôm ngậm nước, có tính ẩm và độ dẻo cao. Đất sét sau khai thác được sàng lọc kỹ, nghiền khô và nghiền ướt để tạo thành hỗn hợp hạt sét rất mịn, mỗi hạt sét là một hình cầu hoàn hảo.

    Đây là bước rất quan trọng, nếu đất sét khai thác không đủ độ sâu, sàng lọc tạp chất không kỹ thì sản phẩm gạch sẽ có mùi tanh bùn. Hạt sét không được nghiền kỹ, kích thước hạt sau nghiền không đủ mịn thì xương gạch sẽ bị xốp rỗng, khả năng chống thấm kém.

     

    >> So sánh ưu nhược điểm của bồn nhựa và bồn inox

     

    2.2. Tạo hình viên gạch

    Hỗn dịch đất sét được đổ vào khuôn, ép bằng máy nén thủy lực để tạo hình viên gạch theo hình dạng và kích thước mong muốn. Viên gạch sau đó được nung lần 1 trong lò nung nhỏ để thoát bớt hơi nước, trở nên cứng và ổn định hơn.

    Bước tạo hình tác động lên tính chất vật lý của viên gạch, nếu càng được nén chặt, gạch càng cứng và khả năng chịu lực càng cao. Chất lượng khuôn cũng ảnh hưởng đến độ đồng đều, trơn phẳng của mép gạch xung quanh. 

    Quá trình nung cần kiểm soát nhiệt độ và thời gian chính xác, đảm bảo tốc độ thoát nước theo chiều ngang và bề mặt gạch đồng đều, không tạo ra các vết nứt nhỏ chìm trong xương gạch, các mép gạch không bị cong vênh quá mức cho phép.

    2.3. Phủ men bề mặt

    Men là hỗn hợp nhiều oxid kim loại dạng bột khô, do các công ty chuyên sản xuất men cung cấp. Men được chuẩn bị trước, pha thành dịch lỏng đồng nhất, đưa vào thùng chứa. Viên gạch khô cứng được đặt lên băng chuyền, đưa vào buồng phun men. Khu vực này có thể chứa tới 50 loại máy móc có tính năng khác nhau, trong đó có hệ thống máy in hoa văn trang trí bề mặt gạch.

    Hoạt động của bước này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng bề mặt gạch. Nếu chất lượng men thấp, phun men không đều thì bề mặt có thể bị vón cục, mặt men dày mỏng khác nhau, thậm chí một số vị trí còn lộ cả xương gạch phía dưới.

    Máy in và mực in chất lượng thấp sẽ tạo hình ảnh bị nhòe, đường nét không sắc sảo, sai số màu sắc giữa các viên gạch cùng một lô sản xuất lớn.

    2.4. Nung chín gạch

    Gạch sau khi phủ men sẽ được chuyển qua lò nung lớn, thực hiện giai đoạn nung thứ 2 hay còn gọi là nung chính thức, giúp viên gạch và mặt men chín hoàn toàn. Trong lò nung, gạch di chuyển một chiều trên con lăn. Các thông số nhiệt độ, thời gian được cài đặt theo chất liệu đất sét, kích thước viên gạch và thành phần chất men.

    Quá trình nung ảnh hưởng đến độ cứng và chất lượng mặt men cuối cùng. Gạch nung càng lâu thì càng đặc rắn, trọng lượng nặng và độ cứng càng cao. Còn chất men sẽ bị nung chảy, trương nở nhiệt, thủy tinh hóa thành lớp trong suốt và nguội dần, đông cứng trên bề mặt gạch. Nếu không được kiểm soát tốt, mặt men dễ bị lồi lõm, nổ lỗ kim hoặc chảy nhão thành vệt do tốc độ trương nở nhiệt của các thành phần trong chất men không đồng đều.

    2.5. Phân loại và đóng gói

    Do ảnh hưởng của chất lượng nguyên liệu đất sét đầu vào, quá trình sản xuất chịu tác động của rất nhiều yếu tố khác nhau, nên sai số giữa các sản phẩm gạch men khá lớn. Bằng phương pháp cảm quan hoặc sử dụng máy móc, gạch được phân loại theo một số tiêu chuẩn như sai số kích thước, sai số cong vênh, chênh lệch hình ảnh, màu sắc ... thành các nhóm chất lượng loại 1, loại 2, loại 3, loại 4. 

    Mỗi loại gạch được đóng gói theo quy chuẩn khác nhau, ví dụ gạch 40 x 40 cm thường đóng 6 viên trong 1 thùng, tương đương 0.96 m2, đơn giá bán ra thị trường tính theo đơn vị thùng. Gạch 60 x 60 cm đóng gói 4 viên trong 1 thùng, tương đương 1.44 m2, đơn giá bán tính theo m2. 

    Bao bì đóng gói sản phẩm có ký hiệu chất lượng gạch, thường in trên vỏ thùng carton hoặc dây đai, không in trên mặt sau viên gạch. Ký hiệu loại 1 không có quy chuẩn chung, rất khác nhau tùy nhà sản xuất, ví dụ Loại 1, Loại AA, Loại A, Loại A1 ... Như vậy sẽ có trường hợp, loại AA là ký hiệu loại 1 của hãng gạch này, lại chính là ký hiệu gạch loại 2 của hãng gạch khác.

    Tiêu chuẩn phân loại do cơ sở sản xuất tự công bố, dựa trên trình độ công nghệ, chất lượng nguyên liệu đưa vào sản xuất. Như vậy, không phải gạch loại 1 nào cũng tốt như nhau, sẽ có trường hợp gạch loại 1 của hãng này, chỉ tương đương hoặc có thể kém hơn chất lượng gạch loại 2 của hãng khác.

    3. Hướng dẫn chọn mua gạch men

    Với công nghệ in 3D từ thiết bị kỹ thuật số hiện đại, gạch men ngày nay mô phỏng rất tốt các bề mặt tự nhiên với hiệu ứng thẩm mỹ cao.

    Hoa văn từ đa dạng như các kiểu vân đá Marble, đá Granite, thân thiện như các kiểu vân gỗ Óc Chó, gỗ Sồi, tinh tế như các kiểu vân mây, vân lụa đến hiện đại như các kiểu vân đất, vân tinh thể ... đạt yêu cầu chiều sâu màu sắc và hình ảnh.

    Vẻ đẹp của viên gạch kết hợp từ nhiều yếu tố, trong đó độ phản chiếu ánh sáng tới là quan trọng nhất. Gạch bề mặt bóng có độ phản chiếu cao, giúp viên gạch trông chói sáng hơn thực tế, đặc biệt với các gam màu tươi sáng như xanh ngọc, vàng kem, trắng kim. Ngược lại, gạch bề mặt mờ có tác dụng giảm độ chói sáng, giúp viên gạch trở nên trầm mộc, đặc biệt với các gam màu nâu vàng, đỏ mận, xám đen.

    >> Nên chọn gạch men mờ hay men bóng?

    Chọn gạch như thế nào là tùy vào gu thẩm mỹ của mỗi người và mục đích sử dụng, để khách hàng dễ dàng ra quyết định chọn mua, trangtrinoithatxinh.vn sẽ đưa ra một số gợi ý, dựa trên kinh nghiệm tư vấn bán hàng và thi công trang trí nội thất của chính mình, kết hợp tham khảo ý kiến chuyên gia như sau:

    3.1. Chọn gạch theo kích thước

    Xu hướng ngày nay ở Việt Nam, gạch lát nền có kích thước càng lớn càng tốt, giúp giảm đường ron là vị trí dễ bám bẩn và tạo cảm giác không gian rộng rãi hơn thực tế, tuy nhiên theo thespruce.com, trang web chuyên tư vấn trang trí nhà cửa của Mỹ, thì nên chọn gạch có kích thước phù hợp với không gian, để đạt được sự cân đối, hài hòa trong cảm nhận.

    Theo chúng tôi, gạch nền 80 x 80 cm chỉ nên lát trên nền nhà có chiều ngang từ 6 m trở lên. Với những khu vực nền có chiều ngang rộng và chiều sâu ngắn, thay vì hình vuông có thể lót gạch hình chữ nhật, ví dụ kích thước 15 x 60 cm hoặc 22 x 90 cm, lót đuổi so le để tăng cảm nhận về chiều sâu. Một lựa chọn thay thế là sử dụng gạch vuông nhưng hoa văn hình chữ nhật, hoa văn chia nhỏ bề ngang sẽ giảm cảm giác mất cân đối của căn phòng.

     

     

    Với bề mặt có độ dốc lớn (nền WC, ban công), nên lót gạch có kích thước nhỏ để dễ thi công theo độ dốc, ví dụ 30 x 30 cm hoặc 30 x 60 cm. Đối với gạch sân, không nên lót gạch quá lớn, vì khoảng cách giữa các đường ron chính là vùng đệm, giúp viên gạch phân tán lực tác động, tránh hiện tượng tức vỡ bề mặt do xe ra vào nhiều.

    Với khu vực sân thượng, do yêu cầu chống thấm, nên cân nhắc lót gạch kích thước lớn, kết hợp với việc sử dụng keo chà ron chống thấm chuyên biệt, để hạn chế hiện tượng thấm nước qua kẽ ron.

    >> Xem hướng dẫn chọn kích thước gạch đầy đủ, chi tiết, phù hợp với từng công năng cụ thể

     

     

    3.2. Chọn gạch theo bề mặt

    Bề mặt gạch tạm thời phân thành 2 nhóm chính là bóng và mờ, có 2 luồng ý kiến khác nhau về tính dễ lau chùi của 2 dòng gạch này, theo nhận xét của chúng tôi, gạch mờ dễ lau chùi hơn, vì gạch bóng có đặc tính trơn trượt, thường làm xê dịch vết bẩn trên bề mặt khi lau chùi. Từ 2 dòng gạch bóng và mờ, tùy theo độ phẳng mặt gạch, có thể chia thành nhóm nhỏ hơn như sau:

    3.2.1. Gạch mặt láng

    Bề mặt gạch láng có độ phẳng gần tuyệt đối, thích hợp trong ốp lát  nội - ngoại thất, ví dụ phòng khách, phòng ngủ, tường wc, tường bếp ...

    Ưu điểm của gạch láng là chống bám bẩn, dễ lau chùi, nhược điểm là hệ số ma sát thấp, dễ trơn trượt với trẻ nhỏ và người lớn tuổi, đặc biệt trong điều kiện có nước. Khách hàng có thể cân nhắc lựa chọn dòng gạch mờ láng trong lát nền, bóng láng trong ốp tường để hạn chế tối đa nhược điểm của từng loại sản phẩm.

     

     

    3.2.2. Gạch mặt nhám

    Để tạo độ nhám, gạch có thể là kiểu xước nhẹ mô phỏng mặt vải (dòng gạch Canvas), kiểu hạt mịn kích cỡ hạt muối (dòng gạch Salt) hoặc kiểu hạt cát (dòng gạch Sand). 

    Với mục đích tăng ma sát, chống trơn trượt, gạch mặt nhám thường đi chung với kiểu men mờ, tạo ra nhược điểm là tính bám bẩn, khi khe hổng giữa các hạt không đủ lớn, đất bẩn sẽ khu trú khó rửa trôi.

    Để khắc phục, ngoài cách tăng khoảng rộng khe hổng bằng cách tăng kích cỡ hạt theo kiểu hạt sỏi (dòng gạch Pebble), nhà sản xuất đã mạnh dạn thiết kế các bề mặt hạt trên nền men bóng, độ bóng tăng tính rửa trôi vết bẩn bằng nước trong khi vẫn đảm bảo độ nhám, an toàn cho người dùng. Do ưu điểm này nên dòng gạch hạt sỏi, hoặc gạch mặt bóng hạt Sugar, được rất nhiều khách lựa chọn trong thời gian gần đây.

     

     

    3.2.3. Gạch mặt sần

    Bề mặt sần sùi là do kỹ thuật kết tinh mầm, tạo gợn men nổi hẳn trên viên gạch tạo ra. Vết sần có thể dạng hạt lồi lõm (dòng gạch giả cổ), dạng vân gợn (dòng gạch giả đá phiến), dạng sọc xuôi (dòng gạch giả vỏ cây) ...

    Ngày nay kỹ thuật phủ men đã rất phát triển, giúp nhà sản xuất tạo được các sản phẩm vân nổi đa dạng, không chỉ sần sùi ngẫu nhiên, mà vân nổi có thể bo tinh tế theo từng đường viền cánh hoa, lá cỏ có kích thước khá nhỏ in trên viên gạch. Gạch mặt sần chỉ thích hợp dùng lát ngoài trời do khó lau chùi, nhưng lại rất an toàn đặc biệt trong điều kiện trời mưa, nền ngập nước

    >> Hướng dẫn chọn mua đá sân vườn

     

     

    3.3. Chọn gạch theo chất lượng

    Gạch được nung ở nhiệt độ từ 800 - 1200 độ C để kết cấu trở nên đặc rắn, đảm bảo độ cứng cơ học dù mỏng và nhẹ hơn nhiều so với gạch Bông.

    Nhiệt độ và thời gian nung là yếu tố quan trọng tạo nên giá thành sản phẩm, gạch nung nhiệt độ thấp, thời gian ngắn có giá bán rẻ hơn, nhưng xương gạch mềm yếu, dễ vỡ. Gạch nung nhiệt độ cao, thời gian kéo dài có giá thành khá cao nhưng xương gạch cứng chắc, lớp men ninh kết đủ điều kiện nên khó trầy xước, bay màu.

    Để đánh giá chất lượng nung bằng mắt thường, có thể thông qua trọng lượng cầm thấy nặng tay, màu sắc xương nâu hơi cháy, lớp xương chín đồng nhất không có lớp đất sống xen giữa dạng vệt màu xám nhạt.

     

     

    Đối với bề mặt men, có nhiều loại hóa chất tham gia cấu thành chất men, trong đó có loại khá độc hại là kim loại Chì (Pb), một trong những thành phần gây ung thư ở người.

    Ưu điểm của Chì là tăng tính chói sáng, làm cho nền men có màu sắc ửng trắng, phản chiếu ánh sáng tạo vẻ lấp lánh bắt mắt. Nhà sản xuất có trách nhiệm thường loại bỏ hoặc giảm thiểu chất Chì khỏi mặt men, nên mặt gạch hơi xỉn màu hơn bình thường.

    Khi chọn gạch phủ Men, nếu quan tâm đến vấn đề an toàn sức khỏe, khách hàng không nên chọn sản phẩm quá bóng, trừ loại gạch Bóng kính tạo ra do công nghệ mài.

     

     

    Sau một thời gian sử dụng, một số khách hàng phàn nàn về hiện tượng gạch khi lau có mùi hơi tanh, sau khi tham vấn ý kiến chuyên gia từ Công ty gạch Đồng Tâm, chúng tôi biết được nguyên nhân là do chất đất. Đất làm gạch phải là lớp đất sét nằm sâu dưới lòng đất, trải qua quá trình sàng lọc, gạn bỏ tạp chất rồi mới đưa vào sử dụng. Để giảm chi phí, đất có thể khai thác từ tầng mặt, bỏ qua giai đoạn xử lý sơ bộ nên còn lẫn bùn, tạo mùi tanh trên sản phẩm sau này.

    4. Kết luận

    Ngoài các tiêu chí trên, khi chọn gạch ốp lát còn phải căn cứ trên công năng sử dụng. Ví dụ, gạch lát nền đề cao tính chịu lực, chống trơn trượt, trong khi gạch ốp tường lại chú trọng tính thẩm mỹ, khả năng lau chùi. Khi chọn mua sản phẩm, khách hàng không nên quá chú trọng vào vấn đề giá cả, gạch giá rẻ thường đi kèm với chất lượng không cao như mong đợi, tuổi thọ sản phẩm cũng ngắn hơn.

    Từ nội dung bài viết nêu trên, mong quý khách sẽ chọn được loại gạch men phù hợp với ngôi nhà thân yêu của mình nhất.

     

    >> Hướng dẫn đánh giá chất lượng và tiêu chí chọn mua ngói đất nung

     

     

     

    Nguồn tham khảo:

    J. M. Framinan et al., 2014. Manufacturing Scheduling Systems, Chapter 15. A Case Study: Ceramic Tile Production. Springer-Verlag London: 371-374.

     

    Cùng chủ đề:

    Gạch lát nền, gạch ốp tường - Phần 1. Gạch bông 

    Gạch lát nền, gạch ốp tường - Phần 3. Đá

    Advantages of Ceramic Tile for Living Room Floors and Family Spaces
     

    Xem thêm:

    Cẩm nang hướng dẫn trang trí nhà đẹp - Phần 1. Phong cách hiện đại

    Cẩm nang hướng dẫn trang trí nhà đẹp - Phần 2. Phong cách cổ điển

    Cẩm nang hướng dẫn trang trí nhà đẹp - Phần 3. Phong cách trung hòa

    Cẩm nang hướng dẫn trang trí nhà đẹp - Phần 4. Phong cách đương đại

    Cẩm nang hướng dẫn trang trí nhà đẹp - Phần 5. Phong cách công nghiệp

     

     

    Gọi điện SMS Chỉ Đường